Tết miệt vườn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không khí xuân đang ngập tràn khắp miền Đồng bằng sông Cửu Long. Từng nếp nhà, mảnh vườn, con kênh và gương mặt người dân đều tươi thắm, rực rỡ sắc xuân. Xuân Quý Mão, người dân đồng bằng đón Tết với nhiều niềm vui, cuộc sống ấm no, sum vầy, kỳ vọng vận hội mới khi kinh tế dần hồi phục, hạ tầng thay áo mới, kiến tạo sinh kế đổi đời lớn nhất trong lịch sử khai khẩn vùng châu thổ đất phương Nam.
Ngày Tết, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ không thể thiếu bánh tét
Ngày Tết, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ không thể thiếu bánh tét

Rộn rã làng hoa

Càng cận Tết, các chuyến ghe càng nhộn nhịp xuôi ngược trên các dòng kênh chở hoa trái, sản vật mùa xuân tới mọi miền đất nước. Một nét độc đáo Tết sớm phương Nam là các làng hoa. Cứ đầu tháng Chạp, người trồng hoa miền Tây lại nhộn nhịp cắt tỉa, chăm chút từng luống hoa để khoác lên miền châu thổ những tà áo rực rỡ, tươi thắm, điểm tô sắc màu vẫy gọi mùa xuân về. Chị Tần Thị Kiều Em, một người dân trồng hoa tại vùng Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay chị trồng 3.000 chậu cúc vạn thọ. Để có những chậu hoa tết đẹp mang niềm vui tới các gia đình, 4 lao động nhà chị Kiều Em chăm sóc, cắt tỉa từng chậu hoa từ 65 ngày trước Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, vườn cúc nhà chị phát triển tốt, non xanh, nhiều chồi, hứa hẹn một mùa thắng lợi. “Vụ năm nay, thương lái đã trả giá 120 ngàn đồng/chậu. Mấy ngày nữa hoa sẽ xuống ghe theo thương lái lên TP.HCM. Tết này vui rồi, phần vì hoa được mùa, được giá, phần vì hết dịch, con cái đi làm xa về quê ăn tết sum vầy. Vui lắm chú à”, chị Kiều Em nói.

Chung niềm vui, hàng ngàn nông dân trồng hoa tại làng hoa kiểng Cái Mơn bên dòng sông Tiền thơ mộng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một trong hai vựa hoa lớn nhất miền Tây, cũng đang hân hoan, nhộn nhịp vào vụ hoa tết. Dịp này, dọc những con đường, mảnh vườn ở Cái Mơn chìm trong sắc màu của các loại hoa, cây cảnh tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng rực rỡ và tươi đẹp. Thương lái khắp nơi đổ về, buôn bán, vận chuyển tấp nập, rộn ràng khắp vùng quê. Người dân từ các thành thị đến thăm làng hoa, tranh thủ check-in khiến không khí xuân thêm nhộn nhịp, tươi mới.

Từ Chợ Lách, ngược con nước sông Tiền qua Mỹ Thuận, chuyến ghe xuân tới làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây, xuân đã về với hàng ngàn loài hoa rực rỡ, tươi thắm. Anh Nguyễn Minh Ngọc, một người trẻ quyết định rời quê để yêu, gắn bó và làm du lịch tại miền đất hoa Sa Đéc hơn 14 năm, cho biết, Tết năm nay hết dịch Covid-19 nên làng hoa Sa Đéc rực rỡ và nhộn nhịp hơn năm trước. Đặc biệt, từ giữa tháng Chạp, Lễ hội hoa Xuân Quý Mão 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lập TP. Sa Đéc thu hút hàng chục ngàn du khách tham quan và chìm đắm trong sắc màu rực rỡ muôn loài hoa, cây kiểng bắt mắt.

“Làng hoa Sa Đéc là địa điểm nhiều khách du lịch yêu thích, đặc biệt là giới trẻ, những tín đồ đam mê sống ảo có thể thỏa thích tạo dáng chụp những bộ ảnh siêu xinh vào dịp Tết”, anh Ngọc nói và cho biết thêm, mùa hoa Tết năm nay, làng hoa ươm mầm hơn 2 ngàn loài hoa, trên diện tích khoảng 500 ha của hơn 2 ngàn hộ dân. Nhiều giống hoa như cúc kim cương, cúc mâm xôi, violet, hồng ri, hoa hồng xanh, cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn… được người dân trồng theo luống thẳng tắp trên đồng ruộng, trên giàn cao, dưới là mặt nước được dẫn từ kênh vào tạo sự đặc biệt và ấn tượng.

Là người yêu và luôn dõi theo từng bước phát triển nghề trồng hoa, anh Ngọc kể: “Người dân trồng hoa Sa Đéc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các công đoạn sản xuất hoa kiểng như kỹ thuật ươm trồng, giống chất lượng cao, bảo quản và hệ thống logistics tiêu thụ hoa kiểng hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Giá trị sản xuất hoa kiểng lên tới vài ngàn tỷ đồng mỗi năm, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân. Đặc biệt, mô hình trồng hoa kết hợp với du lịch đang rất phát triển. Gần đây, làng hoa Sa Đéc hình thành thêm nhiều điểm du lịch xuân như: Vườn hồng Tư Tôn, Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Du thuyền vượt cạn, Sa Nhiên ship… thu hút đông đảo khách du lịch dịp Tết Nguyên đán”.

Tết đoàn viên tại nhiều gia đình Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Song Lê

Tết đoàn viên tại nhiều gia đình Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Song Lê

Tết đặc biệt, đón vận hội mới

Dẫu rằng mỗi người vẫn còn những nỗi niềm âu lo riêng, lo con đường sinh kế phía trước với nhiều thách thức trong thế giới bất định, song Tết đến, Xuân về, người dân vùng đất “Chín Rồng” hứng khởi đón nhận những niềm vui, lạc quan với ước vọng một năm mạnh khỏe, hạnh phúc và cuộc sống ngày một đủ đầy. Niềm vui lớn nhất là sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, bình yên trở lại với từng nếp nhà, từng dòng kênh vắt ngang vườn cây trái trù phú. Năm 2022, hòa chung đà phục hồi của đất nước, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đạt tốc độ phát triển nhanh với nhiều điểm sáng. Nhờ đó, cuộc sống người dân vơi dần những khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch. Và Tết này, mẹ miệt vườn lại dang tay đón những đứa con ly hương kiếm kế mưu sinh về đoàn viên bên mâm cơm tất niên.

Những con đường, mảnh vườn ở làng hoa kiểng Cái Mơn chìm trong sắc màu của các loại hoa, cây cảnh tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng rực rỡ và tươi đẹp. Thương lái khắp nơi đổ về, buôn bán, vận chuyển tấp nập, rộn ràng khắp vùng quê.

Tết Nguyên đán năm nay với hàng ngàn gia đình miền Tây Nam Bộ là cái tết đặc biệt. Bởi lẽ đây là cái Tết sau cùng họ quây quần bên người thân dưới nếp nhà, bên mảnh vườn mướt màu hoa trái, với công lúa, với vuông tôm thân quen để nhường đất xây dựng những đại công trình. Đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, huyết mạch thịnh vượng của miền đất Cửu Long trong tương lai.

Ngày cuối tháng Chạp, gia đình ông Vũ Ngọc Tuấn (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tất bật dọn dẹp nhà cửa tươm tất, nhất là bàn thờ ông bà và sắm sửa chuẩn bị gạo nếp Sáp, lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh tét và nhiều món ăn đặc trưng Nam Bộ dâng cúng tổ tiên, rồi quây quần cùng con cháu ăn Tết. Ngay sau Tết, gia đình ông sẽ rời xa ngôi nhà, mảnh vườn gắn bó mấy chục năm để đến khu tái định cư sinh sống, nhường đất cho Tỉnh xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Ông Tuấn chia sẻ, dù tiếc nuối nhưng ông và nhiều người dân xã Mỹ Thọ rất ủng hộ chủ trương mở cao tốc. Mở đường lớn, ông tin người dân nơi đây có cơ hội đón một tương lai tươi sáng hơn. Mai này, tuyến cao tốc hiện đại, thênh thang hình thành băng qua vùng trũng, ắt hẳn khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư sẽ mọc lên, sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm cho người trẻ. Cuộc sống của mọi nhà rồi sẽ tốt đẹp hơn, sung túc hơn, hạnh phúc vẹn tròn hơn.

Chung cảm xúc phấn khởi, chị Nguyễn Thị Mộng Thu (ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, vợ chồng chị làm nghề nuôi tôm và buôn bán tạp hóa, đứa con lớn của chị đi làm công ty trên thành phố. Đợt này, nhà chị có mấy ao nuôi tôm sú thuộc diện giải phóng mặt bằng để làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Nằm trong diện thu hồi đất, chị Thu và nhiều người dân có chút băn khoăn về giá đền bù, về sinh kế tương lai, nhưng khi hiểu rõ, chị và người dân nơi đây đều đồng thuận với chủ trương mở đường cao tốc. Bởi cao tốc này sẽ nối với cảng Trần Đề, rồi Nhà nước mở khu dịch vụ cảng biển, khu công nghiệp. Lớp trẻ như con chị sẽ được làm việc trong nhà máy, xí nghiệp gần nhà mà không phải bôn ba trên thành phố nữa. Vùng quê Sóc Trăng rồi sẽ nhộn nhịp hơn và công việc bán buôn của chị cũng sẽ dễ dàng hơn.

“Gia đình và láng giềng của tôi đã nộp phô-tô giấy tờ đất và xã đã cắm mốc, kiểm đếm cây trái trong vườn, ao nuôi tôm… Ăn Tết xong, chúng tôi sẽ nhận tiền đền bù và bàn giao đất vườn và đất lúa, ao tôm cho mấy ổng trên Tỉnh “mần” đường cao tốc”, chị Thu nói.

Cây mai trước nhà được chị Thu tuốt lá tuần trước giờ đã trổ búp tua tủa chờ bung sắc vàng hân hoan đón Tết. Năm nay, chị chuẩn bị Tết Nguyên đán khá tinh tươm, ngoài bày biện mâm ngũ quả (5 trái cây đặc trưng miệt vườn Nam Bộ: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung) dâng cúng tổ tiên với ước mong tổ tiên chứng độ một năm mới đủ đầy, sung túc, chị Thu cũng bận rộn chuẩn bị mâm cỗ mang nét đặc trưng Tết phương Nam gồm nem bì, lạp xưởng tươi, giò heo nhồi, tôm khô kiệu chua, thịt kho với trứng và nước dừa… Ngoài ra, không thể thiếu món canh khổ qua nhồi thịt. Theo chị Thu, người miền Tây ăn món này đầu năm để cầu mong mọi chuyện không may mắn trong năm cũ sẽ qua đi, một năm mới bình yên, hạnh phúc sẽ đến.

Kinh tế vùng đất “Chín Rồng” ngày một phát triển hướng tới thịnh vượng. Hạ tầng đang thay áo mới, đời sống người dân miệt vườn mỗi xuân về thêm khá giả, gia đình thêm an khang. Tết Quý Mão ngập tràn sắc màu hoa trái, đất phương Nam đang đứng trước vận hội mới nhờ sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước cho hạ tầng.

Chuyên đề