Tết là cả quê hương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Người dân miền Bắc đón Tết dương lịch (Tết tây) năm nay trong không khí rét, lạnh. Năm nay, rét đến muộn hơn nhưng là rét đậm và kéo dài hơn so với những năm trước. Cái rét gợi cho tôi nhớ về mùa đông năm 2007 - 2008. Năm đó, ngoài ấn tượng bởi cái lạnh “cắt da thịt” còn bởi vì lần đầu tiên nhà tôi có cây đào phai rừng để đón Tết.
Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng và không thể thay thế. Ảnh: Lê Huy
Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng và không thể thay thế. Ảnh: Lê Huy

Không khí Tết tây năm nay cộng với cái rét tạo cảm giác Tết cổ truyền (Tết ta) đang đến rất gần. Mọi người tranh thủ dịp nghỉ Tết dương lịch để làm những việc cần làm sau 1 năm bận rộn. Cơ quan tôi, có đồng nghiệp đưa gia đình đi thăm ông bà nội ngoại, có người thì đưa gia đình đi du lịch miền Nam… Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và thế giới thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các nước. Cũng từ đó, văn hóa phương Tây đã được tiếp nhận và phổ biến tại Việt Nam. Tôi thấy nhiều vị khách nước ngoài bây giờ vẫn ngỡ ngàng, không nghĩ người Việt Nam lại hưởng ứng (thưởng thức) nhiều ngày lễ của nước họ như vậy. Nào là Lễ tạ ơn, Lễ giáng sinh, Tết dương lịch... Sự tham gia tưng bừng của người Việt vào những ngày lễ tết phương Tây cho thấy, sự giao hòa văn hóa (chúng tôi gọi là “cultural additivity - cộng tính văn hóa”) [1] được thể hiện ngày càng rõ nét. Điều này đem đến nhiều niềm vui và thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, giao thương giữa các quốc gia.

Theo lịch, Tết tây luôn đến trước Tết ta. Năm nay, Tết ta chỉ sau Tết tây khoảng 3 tuần lễ. Với người Việt Nam, Tết cổ truyền mới là ngày lễ lớn nhất trong năm. Mọi tình cảm dồn nén, sự cố gắng phấn đấu và nỗ lực trong cả một năm đều hướng về ngày Tết. Văn hóa Tết đậm sâu đến từng người Việt và có lẽ Tết là điểm tựa, sợi dây tinh thần bền chặt giúp dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử. Dưới lăng kính của hệ quản trị tri thức và sáng tạo SM3D [2], Tết (có thể) là một phương tiện sinh tồn và phát triển của người Việt.

Một số ý kiến gần đây cho rằng, có nên gộp Tết tây và tết Tết ta, đã gây nhiều tranh luận. Còn tôi cũng có tâm sự của riêng mình. Trước tiên là khía cạnh văn hóa. Với tôi, Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng và không thể thay thế. Tầm quan trọng của Tết đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một lễ hội, bởi Tết là dịp để mọi người dân hướng về cội nguồn, Tết là kết tinh của tinh thần yêu quê hương đất nước, tinh thần và khí chất tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam, “văn hóa” hướng thượng dân tộc - môi trường…

Về khía cạnh xã hội, Tết là dịp để đoàn tụ và gia tăng kết nối xã hội (social connectedness). Có một thực tế đáng lo ngại là những năm gần đây, khi đời sống kinh tế càng phát triển thì sự kết nối xã hội ngày càng giảm đi. Một phần vì nhịp sống hiện đại bộn bề công việc, phần khác là do sự xuất hiện nhiều công nghệ và truyền thông chiếm một lượng lớn thời gian của người sử dụng. Khi thời gian tương tác giữa con người ngày càng ít đi thì rất nhiều vấn đề xã hội xuất hiện. Ví dụ, số lượng bệnh nhân về tâm thần không ngừng tăng lên, hay số vụ tự tử cũng đang ở mức báo động. Vì thế, Tết như là một liều thuốc chữa bệnh quý giá, là cơ hội hiếm có để mọi người gia tăng sự kết nối xã hội, chia sẻ, hàn gắn và yêu thương.

Về khía cạnh kinh tế, Tết góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhờ vào việc tiêu dùng của người dân. Nhiều ngành khác nhau, từ dịch vụ đến du lịch, giải trí và bán lẻ được hưởng lợi từ Tết [3]. Thậm chí một số ngành nghề chỉ trông chờ vào dịp Tết để bán hàng và gia tăng thu nhập. Theo ước tính, tổng chi tiêu của người dân Việt Nam dịp Tết năm 2019 là gần 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 1% GDP của cả nước [4]. Nói về tiêu dùng, ở Mỹ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiêu dùng nội địa. Họ có cả một ngày tiêu dùng “vĩ đại” đó là ngày hội mua sắm “Black Friday”. Trong năm 2019, tổng tiêu dùng vào ngày này ước đạt 7,4 tỷ đô la (170.000 tỷ đồng) [5]. Tại Trung Quốc thì có ngày “Singles’ Day - Lễ độc thân”, giờ cũng đã trở thành ngày hội tiêu dùng lớn nhất trong năm của họ với mức chi gần 38 tỷ đô la (874.000 tỷ đồng) năm 2019 [6]. Từ góc độ kinh tế, tôi nhận thấy, Tết thực sự là ngày hội mua sắm và tiêu dùng trong dịp Tết, chính là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của đất nước [7].

Với người Việt Nam, Tết cổ truyền mới là ngày lễ lớn nhất trong năm. Mọi tình cảm dồn nén, sự cố gắng phấn đấu và nỗ lực trong cả một năm đều hướng về ngày Tết. Văn hóa Tết đậm sâu đến từng người Việt và có lẽ Tết là điểm tựa, sợi Dây tinh thần bền chặt giúp dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử

Về khía cạnh môi trường, ngày Tết có vị trí đặc biệt quan trọng. Tết không chỉ là văn hóa dân tộc mà còn là dịp để “ươm mầm văn hóa môi trường” [8]. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về suy thoái và ô nhiễm môi trường. Từ thành thị đến nông thôn, từ mặt đất đến nguồn nước, không khí, môi trường đều bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ số hiệu quả môi trường của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 141/180 quốc gia trên thế giới [9], ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng ở các thành phố lớn, còn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương Việt Nam đang ở TOP 5 thế giới [10]. Trong khi ô nhiễm môi trường hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng sống, kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội khác, việc tìm kiếm giải pháp môi trường được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh như vậy, Tết là một cơ hội quý giá cho chúng ta thực hiện văn hóa trồng cây, ươm mầm và xây dựng văn hóa môi trường - là chìa khóa, là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm tràn lan ở nước ta.

Tóm lại, Tết không chỉ là ngày hội văn hóa mà là phương tiện sinh tồn và phát triển của dân tộc. Một điều không thể phủ nhận rằng, Tết có thể tạo gia sự lãng phí nhất định hay tâm lý uể oải sau kỳ nghỉ dài, nhưng vai trò và lợi ích nhiều mặt từ ngày Tết thực sự đã vượt xa những mặt hạn chế của nó. Ở tầm vĩ mô, Tết xứng đáng được coi như là một “điểm tựa chiến lược” để đạt được đa mục tiêu, không chỉ về văn hóa dân tộc, mà còn tăng trưởng kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Và trách nhiệm của mỗi công dân chúng ta là phải gìn giữ và làm cho Tết dân tộc thực sự là Tết văn minh, Tết của mọi nhà, của thế hệ hôm nay và mai sau. Tết không chỉ là ngày Tết, Tết là cả quê hương.

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong QH et al. Cultural additivity: behavioural insights from the interaction of Confucianism, Buddhism and Taoism in folktales. Palgrave Commun 2018;4. https://doi.org/10.1057/s41599-018-0189-2.

[2] Vuong QH, Le TT, Nguyen MH. Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanit Soc Sci Commun 2022;9:1–12. https://doi.org/10.1057/s41599-022-01034-6.

[3] Võ Trí Thành. Tết economics: one or two holidays? Việt Nam News 2022. https://vietnamnews.vn/economy/1142902/tet-economics-one-or-two-holidays.html.

[4] Hung Le. Tet 2019 consumer goods purchases highest in three years. VnExpress 2019. https://e.vnexpress.net/news/business/economy/tet-2019-consumer-goods-purchases-highest-in-three-years-3923459.html.

[5] Alex Sherman. Black Friday shoppers spend record $7.4 billion in second largest online sales day ever. CNBC 2019. https://www.cnbc.com/2019/11/30/black-friday-shoppers-spend-record-7point4-billion.html.

[6] Lulu Yilun Chen. Alibaba Singles’ Day rakes in record $38-billion in sales as shoppers find an excuse to splurge 2019. https://financialpost.com/news/retail-marketing/alibaba-singles-day-rakes-in-record-31-billion-in-sales-as-shoppers-find-an-excuse-to-splurge.

[7] Fabrice Carrasco. Tet: A spectacular spending spree. Kantar 2017. https://www.kantarworldpanel.com/vn/news/Tet-A-spectacular-spending-spree.

[8] Khúc Văn Quý. “Tết” và tính cộng văn hóa dân tộc - môi trường. Kinh tế và Dự báo 2022. https://kinhtevadubao.vn/tet-va-tinh-cong-van-hoa-dan-toc-moi-truong-21261.html.

[9] Wolf, M. J, Emerson, J. W., Esty, D. C., de Sherbinin, A., Wendling, Z. A., et al. (2022). 2022 Environmental Performance Index. New Haven, CT: Yale Center for Environmental Law & Policy. epi.yale.edu.

[10] Carolyn Turk. Towards a national single use plastics roadmap in Vietnam: strategies and options for reducing priority single-use plastics. World Bank 2022.

Chuyên đề