Từ khoảng 23 tháng Chạp âm lịch, các loại hoa bắt đầu theo chân thương lái tỏa xuống khắp phố phường của Hà Nội |
Từ trung tâm Hà Nội, đi xa nhất khoảng 30 km là có thể đến được làng hoa Mê Linh, gần hơn có làng hoa Nghi Tàm, Liên Mạc, Tây Tựu… chỉ độ 20 km. Trong những ngày giáp Tết, đến bất cứ nơi nào của các làng hoa đều có thể cũng cảm nhận được sự tất bật, hối hả.
Hàng trăm luống hoa đều tăm tắp, hồng, cúc, violet, thược dược… rực rỡ trong ánh ban mai, đang bắt đầu vào giai đoạn được tỉa tót, chăm bón cẩn thận. Tất cả các loại hoa, từ khoảng 23 tháng Chạp âm lịch, bắt đầu theo chân thương lái tỏa xuống khắp phố phường của Hà Nội.
Đầy tự hào, người dân làng hoa Liên Mạc tâm sự, đây là nghề làm đẹp cho đời, nghề tạo ra “hương và sắc”. Họ bảo, ngày thường, nhu cầu về hoa một, thì trong những ngày Tết, nhu cầu tăng đột biến, gấp hàng chục lần. Vì vậy, các giống hoa muôn màu đa dạng, cành dài, lá xanh, mùi thơm như hồng tỷ muội, hồng lửa, lay ơn, violet, thược dược… đã được ươm trồng rất nhiều và rất sớm tại các làng hoa.
Mỗi loại hoa đều có kỹ thuật chăm sóc riêng, nhưng theo người trồng hoa, chúng đều phải được trồng trên đất tơi xốp, có độ thoát nước tốt, tránh bị ứ đọng làm hư bộ rễ. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư, bấm ngọn và bớt lá để tạo cho cây hoa có sức đâm nhánh mới, và từ mỗi đầu nhánh đó sẽ cho ra những nụ hoa mới. Ngoài việc trồng trên các luống, nhiều loại hoa cũng được đưa vào trồng trong các chậu. Nếu trồng kiểu này, cây trong chậu có thể đeo hoa tới cả tháng. Bên cạnh những loài hoa chỉ cần chăm sóc đơn giản, các làng trồng hoa còn đan xen hoặc trồng chuyên biệt hoa đào.
Tết ở miền Bắc, những cành, cây đào thế được trang hoàng trong nhiều gia đình đã trở thành truyền thống. Nắm bắt quan niệm hoa ngày Tết quý nhất vẫn là hoa đào, nhiều gốc đào đã được một số chủ vườn chăm chút từ cả năm nay để đợi bán vào dịp Tết. Để có được những cành, cây đào đáp ứng “thú chơi” của người Hà Nội, theo nhiều nghệ nhân trồng đào, cần rất công phu và tỉ mẩn. Nghệ nhân Văn Tú, làng hoa Tây Tựu cho biết, đào là cây không chịu úng nên cần chọn đất cao ráo, thoát nước tốt. Từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, tùy theo năm nhuận hay thường và tình hình sinh trưởng của cây, người trồng cần quyết định hạn chế tăng trưởng thân lá, thúc đẩy phân hóa mầm hoa.
Đặc biệt, với những cây đào mập mạp, lâu năm, các nghệ nhân còn tạo tán, tạo thế bằng cách kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc vào một khung theo các thế đã định, cắt tỉa bỏ những cành ngoài ý muốn. Thế của đào thường chủ yếu lấy theo chữ Nho như long giáng, ngũ phúc, trực đổ, bạt phong…
Công đoạn quan trọng, cũng rất cần kinh nghiệm lâu năm, đó là ép đào ra hoa đúng dịp Tết. Theo ông Tú, đến trung tuần tháng 11 âm lịch, người trồng dùng dao khứa vài vòng quanh cành, thân đào để ức chế sinh trưởng thân lá, kích thích phân hóa mầm hoa. Sau đó, thì tuốt bỏ hết lá trên cây... Năm nay thời tiết khá nóng nên cần tuốt lá muộn hơn. Sau khi tuốt lá xong, nếu trời tiếp tục nắng nóng, phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây nhằm hãm cho đào không ra hoa sớm…
Trồng đào, theo các nghệ nhân, phải làm sao cho khi cắt ra bán cành phải có dăm nhỏ và ngắn, hoa nở phải đều, cánh dầy, như vậy mới đẹp, cân đối. Đào thế phải có: hoa, nụ, và lộc, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.
Đón Xuân mới, hoa tươi và những nụ cười rạng rỡ trên khắp phố phường Hà Nội. Người mua đào, chắc chắn cũng không quên kiếm thêm vài bó lay ơn, violet… Vất vả một nắng hai sương của những người trồng hoa, cũng được đền đáp bởi niềm vui của người mua hoa, người mua được cả hương sắc của đất trời…
Cùng với nem, giò, bánh chưng…, một lọ hoa trong 3 ngày Tết đã tạo nên hình ảnh đẹp, tạo thành hồn cốt của Tết cổ truyền dân tộc. Những cành hoa Nghi Tàm, Tây Tựu, Liên Mạc… thắm sắc được cắm trong một chiếc bình sứ Bát Tràng thanh nhã, đặt trên bàn tiếp khách, trên cái đôn gỗ chạm long ly, hay trang trọng hơn là trên ban thờ… Hoa đã tạo thêm hương sắc cho mùa xuân.