Tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít: “Là trách nhiệm của công dân với đất nước”

Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam cho rằng: “Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách. Khi thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào”.
(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế diễn ra sáng nay (16/5), ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam cho hay: “Về động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”.

“Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách”, ông Ruệ nhấn mạnh.

Theo đại diện Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam: "Thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.

Trước đó, Hiệp hội Xăng Dầu nhiều lần đề xuất, ngay năm 2018, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời cùng xử lý hài hòa 3 lợi ích, lợi ích Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp, nhất quán trong chủ trương đường lối phát triển thị trường xăng dầu trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Phan Thế Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết. Tính đến thời điểm hiện nay (2017) mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3 tấn, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại thì khả năng cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo ông Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ từ năm 2014. Nghị định 83 CP đã có những quy định tiếp cận tốt hơn về các thành phần kinh tế được tham gia các đầu mối xuất nhập khẩu đến nay đã có 29 đầu mối, có hơn 100 thương nhân phân phối với lực lượng đông đảo các Tổng đại lý, Đại lý với hơn 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Năm 2015-2016, giá dầu thô thế giới ở mức thấp, biến động không nhiều, vì vậy Nghị định 83 đã làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung đảm bảo, chất lượng xăng dầu về cơ bản đã đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh phù hợp với biến động giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, ông Ruệ cho rằng, nhìn vào dài hạn đến năm 2025-2030, nếu các cơ chế quản lý vận hành thị trường xăng dầu ngắn hạn (4-5 năm) thì ngày càng bất cập, trước sức ép của mở cửa thị trường, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào năm 2024 (về 0%). Đặc biệt sức ép bảo vệ thị trường trong nước kể cả hệ thống lọc hóa dầu trong nước, hệ thống phân phối các doanh nghiệp Việt Nam.

"Một vấn đề đang hiện hữu, các cơ quan hoạch định chính sách tài chính đang phải xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Đây là nguồn thu quan trọng đóng góp cho phát triển đất nước", ông Ruệ phát biểu.

Ngoài ra, theo ông Ruệ, để bảo vệ sản xuất trong nước, cần có những rào cản kỹ thuật hoặc những rào cản WTO không cấm để bảo vệ thị trường, các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA đa phương và song phương, tuy không có cam kết mở cửa thị trường về cơ chế chính sách nhưng các dòng thuế nhập khẩu đã giảm sâu và mức độ giảm khác nhau giữa các đối tác, đặc biệt nhất là Asean xăng giảm thuế nhập khẩu xuống 20%, dầu 0% trong khi đó FTA Việt Nam – Hàn Quốc thuế nhập khẩu xăng xuống 10%, dầu 5%, đi đến loại trừ các dòng thuế nhập khẩu là nội dung cơ bản của mở cửa thị trường.

Chuyên đề