Chữ “Vượng” không chỉ thể hiện mong ước một tương lai xán lạn, mà còn bao gồm cả khí thế mạnh mẽ như ngọn lửa rừng rực cháy. Ảnh: Tiên Giang |
Xin chữ đầu Xuân, bàn luận, thưởng thức chữ trong dịp Xuân đã âm thầm tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, trở thành một phần vừa sâu lắng vừa thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam. Bất kể nguồn gốc của việc cho chữ, xin chữ là từ đâu, nhưng nó đã ăn sâu vào sinh hoạt văn hóa trên mảnh đất hình chữ S này, đã được Việt hóa và mang đậm tâm thức người Việt.
Chữ thánh hiền khi đi vào dân gian cũng có một đời sống riêng, hàm nghĩa của nó phong phú hơn rất nhiều so với những nghĩa nằm trong từ điển. Mỗi người, trên cơ sở nghĩa cơ bản của chữ, sẽ gửi gắm trong đó những mong ước riêng của mình, và khi sử dụng trong mỗi hoàn cảnh, không gian riêng, trong những mối quan hệ riêng, nó sẽ hàm chứa những ý nghĩa riêng mà chỉ chủ nhân của chữ đó mới có thể hiểu được. Xuân này, tôi đi xin chữ “Vượng” về treo trong nhà với những suy tư riêng, có thể có điểm gặp gỡ với nhiều người, cũng có thể những điều đó chỉ là cảm nhận, suy tư và gửi gắm của riêng tôi.
Bàn về chữ thánh hiền, người ta thích truy về ý nghĩa xa xưa của nó, bởi sự tích lũy của thời gian bản thân nó đã là một giá trị, ít nhất khiến cho mỗi chữ viết trở nên thiêng liêng. Cũng như nhiều chữ Hán khác, chữ “Vượng” có sự biến động tích lũy thêm về nghĩa theo dòng chảy của thời gian, thậm chí có sự biến đổi về mặt ký tự. Về mặt chữ, ngày nay, dù viết giản thể hay phồn thể thì chữ Vượng (旺)vẫn được hợp thành bởi hai bộ phận, bên trái là bộ Nhật (日- mặt trời - chỉ ý), bên phải là chữ Vương (王- chỉ âm đọc). Thế nhưng trước kia, chữ Vượng(暀 lại được kết hợp bởi bộ Nhật và chữ Vãng (往 - nghĩa là “hướng tới”), nên mới có cách chú thích của Đoàn Ngọc Tài đời Thanh: Khi thờ cúng, trong lòng muốn hướng về thần linh, cho nên dùng chữ “vãng”. Nghĩa gốc của chữ “Vượng” là chỉ ánh sáng rực rỡ, suy rộng ra, “vượng” có nghĩa là tươi sáng, đẹp đẽ. Sau này, chữ “Vượng” phát triển thành ý nghĩa chỉ sự vận động theo chiều hướng tốt đẹp, đi lên. Đó cũng là nghĩa của chữ “Vượng” được hiểu rộng rãi hiện nay. Bởi thế, “vượng” gắn với sự phồn vinh, hưng thịnh.
Vượng còn có nghĩa là lửa cháy rừng rực, được gọi là “Vượng hỏa”. Ở Trung Quốc, có tục đốt lửa đầu năm. Tết đến, họ thường xếp than thành hình kim tự tháp trước cửa nhà rồi đốt lửa. Tháp lửa cháy càng to thì niềm vui của gia chủ càng lớn. “Vượng hoả” thể hiện mong ước một năm mới làm ăn cát tường, hưng thịnh.
Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, tết đoàn viên là tết Trung thu, thì ở Việt Nam, sự đoàn tụ lại dành cho tết Nguyên đán, dành cho dịp khai Xuân. Dù chữ “Vượng” ở Việt Nam không gắn với tục đốt lửa đầu năm, nhưng nó đã trở thành lời chúc tốt đẹp nhất mà những người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm chúc nhau mỗi dịp Xuân về: “An khang, thịnh vượng”; nó cũng trở thành lời tốt đẹp nhất dành để khen người phụ nữ khi lập gia đình: “Vượng phu, ích tử”. Dù năm tháng qua đi, dù xã hội có nhiều đổi thay, thì chữ “Vượng” trong lời chúc đầu Xuân năm mới vẫn luôn là món quà tặng nhau, là mong ước cho mình và cho mọi người. “Vượng” vì thế trở thành mong ước của người người, nhà nhà và của cả đất nước.
Con người khi cất tiếng khóc chào đời hiện diện trên thế gian này là bắt đầu một hành trình không ngừng tu dưỡng, không ngừng vươn lên, vươn tới tương lai xán lạn như loài cây vươn ra ánh sáng. Điều đáng buồn nhất trong cuộc đời mỗi người là “mọi ngày như một ngày”, là “ngày hôm nay giống hệt ngày hôm qua”. Điều hạnh phúc nhất của con người có lẽ là nhận ra bản thân mình hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua.
Đất nước ta từng trải qua những thời điểm khó khăn, những thời điểm thiếu thốn, những thời điểm mục tiêu lớn lao đặt ra vẫn chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm, vì thế, trong các thôn cùng ngõ xóm, đầu Xuân năm mới, lời chúc mà trong ký ức tuổi thơ của tôi thỉnh thoảng vẫn vang lên, đó là “chúc anh, chị… năm mới làm ăn khấm khá hơn năm trước”. Nhưng gần đây, dường như rất ít người dùng lại lời chúc đó, nó chỉ còn vang lên trong ký ức xa xưa như nghiệm chứng cho sự đi lên của mỗi cá nhân trong đời sống hiện nay.
Cuộc sống của mỗi con người, tiền tài cố nhiên là quan trọng, khát vọng giàu sang cũng trân quý như bao khát vọng chân chính khác của con người. Đời sống vật chất sung túc, ăn không chỉ cần no, mà còn cần ăn ngon, mặc không chỉ cần ấm, mà còn cần mặc đẹp… Đời sống vật chất sung túc, đi lên thì gọi là “Vượng tài”.
Nhưng cuộc sống không chỉ có cơm áo gạo tiền, không chỉ có nhà lầu xe hơi, cuộc sống ngoài “vượng” về vật chất cũng cần “vượng” về tinh thần nữa. Mỗi cá nhân đều mong ước mình có một đời sống tinh thần phong phú, có thời gian, không gian để cảm nhận, suy tư về cuộc sống, tích lũy tri thức văn hóa, xã hội, nghệ thuật. Ngay cả chuyện ăn, không chỉ ăn no, ăn ngon, mà còn phải hướng tới thưởng thức dư vị văn hóa trong từng món ăn, như ăn cốm làng Vòng có thể cảm nhận mùi thơm của lúa non trên những cánh đồng bát ngát… Trong những vội vã đời thường, con người biết dành thời gian cho những phát hiện, cảm nhận về vẻ đẹp trong tự nhiên, trong xã hội, trong nghệ thuật và trong những hành vi giản dị của những người xung quanh. Xã hội càng phát triển, áp lực đời sống vật chất càng lớn, thì con người càng cần phải chú ý tu dưỡng, làm phong phú đời sống tinh thần của bản thân, làm cho nó rực rỡ, đầy ánh sáng, ấy là “vượng” về tinh thần.
“Vượng” cần trong cuộc sống của mỗi cá nhân, đồng thời cũng cần trong cuộc sống của mỗi gia đình. Mong ước đó từ bao đời nay được gửi gắm một cách thầm kín trong lời khen người phụ nữ: “Vượng phu, ích tử”. Người phụ nữ được khen “vượng phu” là người có khả năng hỗ trợ, làm cho chồng phát triển, thành công trên con đường sự nghiệp. Chúng ta đã nghe rất nhiều lần câu nói “phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình một người phụ nữ”. Khả năng “vượng phu” dần dần mang chút thần bí khi nó gắn với tướng số, gắn với cách nói: Cô này, chị kia có tướng vượng phu. Thực ra, nếu loại bỏ lớp áo khoác tướng số, thì “vượng phu” không chỉ do thiên phú, mà quan trọng hơn, do tu dưỡng mà thành. Tuy nhiên, tư tưởng này có chút màu sắc của chủ nghĩa nam quyền khi đặt người phụ nữ vào vị trí hỗ trợ cho sự thành công của người đàn ông trong sự nghiệp, là mấu chốt để gia đình phát triển. Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người đàn ông cần “vượng”, mà phụ nữ cũng cần “vượng”, phụ nữ cũng cần có sự nghiệp riêng của mình, cũng cần thành công trong sự nghiệp, xác lập địa vị xã hội riêng. Có nghĩa là trong gia đình, cả vợ và chồng đều cần “vượng” trên con đường sự nghiệp, để “ích tử”, để “vượng gia”.
Mùa Xuân về, không chỉ là Xuân của mỗi người, của mỗi gia đình, mà còn là Xuân của đất nước. Năm mới mang theo vận hội mới. Nhà cách mạng Phan Bội Châu từng đặt niềm tin vào thanh niên, đặt niềm tin vào đất nước “nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, khó khăn thử thách đặt ra với đất nước là rất lớn, nhưng cơ hội cũng không hề nhỏ. Mọi phương diện của đất nước đều cần “vượng”: Phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, hiện đại hóa nông thôn, quy hoạch đô thị, số hóa trong quản lý, cải cách giáo dục, phát triển y tế, bảo vệ môi trường… để đất nước thịnh vượng, phồn vinh. Đây cũng chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn theo đuổi: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Vượng” không chỉ thể hiện mong ước một tương lai xán lạn, mà còn bao gồm cả khí thế mạnh mẽ như ngọn lửa rừng rực cháy. Chúc cho người người, nhà nhà và cả đất nước, trong đó có tôi, Xuân mới mọi điều đều “vượng”.