Tận dụng từng cơ hội cho phục hồi, phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn, thách thức của năm 2023 được dự báo lớn hơn nhiều so với thời cơ, thuận lợi, đòi hỏi trong điều hành cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng từng cơ hội cho phục hồi và phát triển kinh tế. Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2023 - ngày 3/1/2023, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Năm 2023, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2023, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2023 phải tiến bộ hơn năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại mong muốn tại Hội nghị trực tuyến năm 2022, đó là: Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021. Tổng Bí thư cho rằng, năm 2022, chúng ta "đã cơ bản đạt được điều mong ước và lời chúc đó".

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,15%. GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng so với năm 2021). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Trên 208 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm, đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn, thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay. Đó là, thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc… Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. “Năm 2023, nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 là rất cao, trong khi đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Ảnh: Tiên Huyền

Mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 là rất cao, trong khi đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Ảnh: Tiên Huyền

Đã nói là làm, đã làm phải hiệu quả

Chính phủ nhận định, tình hình năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước. Đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả".

Thủ tướng nêu rõ tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao, vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhanh, quyết liệt, hiệu quả và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Trước ngày 20/1/2023, xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế, có các giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hằng quý, cập nhật kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật kịch bản tăng trưởng chung của cả nước…

Chuyên đề