Quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Ảnh: Internet |
Tại báo cáo này, bên cạnh những kết quả tích cực từ thực tiễn thực thi Luật, Bộ Tài chính nêu rõ những hạn chế, bất cập và tính cần thiết phải sửa đổi văn bản pháp lý này.
Theo Bộ Tài chính, qua 6 năm thi hành, Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập được khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được xây dựng đồng bộ từng bước phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và yêu cầu đổi mới, hội nhập; cơ chế, chính sách đã đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…
Các DNNN thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô doanh nghiệp và có đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước.
Về mặt xã hội, DNNN đã tạo việc làm cho trên một triệu người lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Tổng hợp theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước (gọi tắt là doanh nghiệp) với tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3.674.627 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2019.
Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có tổng tài sản là 3.304.900 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng tài sản của các doanh nghiệp.
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1.717.379 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.509.754 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, chiếm 88% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp.
Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là 1.597.754 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.445.877 tỷ đồng và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp là 151.522 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật số 69/2014/QH13 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng cần bổ sung các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để phù hợp quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và bổ sung thêm các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phù hợp với thực tế đặc điểm của các doanh nghiệp có vốn nhà nước này.
Quá trình cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua chủ yếu thực hiện dưới hình thức chuyển đổi sở hữu là cổ phần hóa được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên tính pháp lý chưa cao. Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn như chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ doanh nghiệp về cơ quan đại diện chủ sở hữu, chuyển giao từ cơ quan đại diện chủ sở hữu về các tập đoàn, tổng công ty không cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu…
Một số nội dung về quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DN F1) còn bất cập như việc DN F1 cho vay đối với các doanh nghiệp có vốn góp của mình (DN F2); thẩm quyền quyết định việc đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định của doanh nghiệp dựa vào giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính và tham chiếu phân cấp mức vốn của dự án theo Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật số 69/2014/QH13 không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thanh tra...
Bộ Tài chính cho rằng, những hạn chế, bất cập nêu trên cho thấy cần thiết phải xây dựng Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi) với các chính sách mới nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.