Việc phải kê khai giá trang thiết bị y tế gây rất nhiều áp lực cho DN chủ sở hữu số lưu hành trong việc tính toán giá cả và gặp rủi ro lớn về tính pháp lý của thông tin nếu bị thanh, kiểm tra. Ảnh: Tiên Giang |
Nghị định số 98/2021/NĐ-CP (NĐ 98) về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, được xem là một công cụ hữu hiệu để kiểm soát tình trạng loạn giá, nâng khống giá TTBYT thông qua việc mua bán lòng vòng. Trong năm đầu tiên thực thi Nghị định này, theo ông, có vấn đề gì còn bất cập?
Theo quy định tại NĐ 98, đơn vị sở hữu số lưu hành (SLH) hoặc giấy phép nhập khẩu bắt buộc phải kê khai giá. Tuy nhiên trong thực tế giao dịch, các DN hầu như không trực tiếp bán hàng cho đơn vị sử dụng cuối cùng, mà thông qua đại lý phân phối trong nước (tối đa là 2 đại lý). Đại lý trong nước cấp 1 có thể bán cho đại lý cấp 2 rồi mới đến khách hàng sử dụng cuối cùng. Với thực tế này, DN chủ sở hữu SLH không thể nắm bắt, can thiệp, hay có thông tin về giá của 2 đại lý nêu trên, thế nhưng vẫn phải kê khai giá bán cuối cùng của sản phẩm là không phù hợp. Việc phải kê khai giá gây ra rất nhiều áp lực cho DN chủ sở hữu SLH trong việc tính toán giá cả và gặp rủi ro lớn về tính pháp lý của thông tin nếu bị thanh, kiểm tra.
Ông Vũ Tú Thành |
DN chủ sở hữu SLH cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khách hàng không chấp nhận kê khai giá bán cao nhất cho 1 sản phẩm, mà luôn yêu cầu phải có giá kê khai cụ thể áp dụng cho từng cấu hình, ở từng thời điểm mời thầu cụ thể, nếu có thay đổi chi tiết nhỏ (như phụ kiện) thì DN cũng phải kê khai lại theo yêu cầu của khách hàng. Do vậy, một TTBYT có thể có hàng chục mã kê khai khác nhau.
Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi, bổ sung NĐ 98. Từ bất cập trong thực tiễn triển khai NĐ 98, việc sửa đổi nên theo hướng nào, thưa ông?
Việc yêu cầu niêm yết giá đối với tất cả các cơ sở mua bán TTBYT (bao gồm cả nhà sản xuất, nhà bán buôn và nhà bán lẻ) là không phù hợp, tạo gánh nặng cho nhiều chủ thể, gây tốn kém nguồn lực lưu trữ, truy xuất mà lại không có tính tham khảo cho các cơ quan chức năng.
Việc niêm yết giá bán buôn còn tạo điều kiện cho việc cạnh tranh không lành mạnh, trong trường hợp các công ty cạnh tranh hoặc nhà phân phối (sau khi hãng cắt hợp đồng phân phối) có thể tiếp tục kê khai các mức giá vô cùng “lắt léo” để làm khó cho hãng và nhà phân phối mới.
Việc niêm yết giá bán buôn còn có nguy cơ làm lộ bí mật kinh doanh và chiến lược giá của DN, cùng với giá bán lẻ sẽ làm loạn giá, vì có nhiều mức giá khác nhau được niêm yết.
USABC có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên?
Cũng giống như kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng tôi mạnh mẽ kiến nghị bãi bỏ quy định kê khai giá đối với tất cả sản phẩm TTBYT.
Nếu vẫn giữ quy định này thì chỉ nên yêu cầu kê khai giá đối với một số TTBYT thiết yếu, có mức chi trả cao, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Chủ thể kê khai giá phải là các DN trực tiếp bán hàng đến người dùng cuối. Các DN này tự kê khai giá trong phạm vi hoạt động kinh doanh của mình. Việc kê khai giá nên tách khỏi chủ sở hữu SLH TTBYT, không cần ủy quyền từ chủ sở hữu TTBYT, vì chủ sở hữu SLH và việc bán hàng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, được quản lý bởi các quy định pháp luật khác nhau.
Chỉ nên yêu cầu DN kê khai các thông tin cơ bản như tên, giá bán tối đa, mà không bắt buộc phải kê khai các yếu tố chi tiết cấu thành giá của TTBYT, vì tương tự như báo cáo tài chính tóm tắt của DN, số liệu chính xác chỉ xác định được vào cuối năm tài chính. Nếu DN kê khai giá vào đầu năm thì rất rủi ro khi cơ quan hậu kiểm nhận thấy có sự sai khác về các yếu tố cấu thành giá, có khi DN còn bị phạt oan (thực tế đã có 1 DN ở Bình Định bị phạt 100 triệu đồng vì liên quan đến các vi phạm về kê khai giá).
Đồng thời, không nên quy định cơ quan nhà nước thực hiện rà soát các yếu tố cấu thành giá do DN kê khai. Theo quy định tại Điều 26 của Luật Giá, trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá là khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bình ổn giá, định giá, trong khi TTBYT không thuộc danh mục hàng hóa mà Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
Thực tế việc rà soát, kiểm tra các yếu tố hình thành giá trong ngành dược theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP trong thời gian qua cho thấy, cơ quan nhà nước không thể rà soát, thẩm định hay chấp thuận các chi phí do DN kê khai là hợp lý hay không. Do đó, hàng trăm loại thuốc phải “nằm chờ”, không được công bố giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, không kịp tham dự thầu, gây nên tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Tình huống này hoàn toàn có thể lặp lại với TTBYT nếu áp dụng quy định như vậy.
Tương tự, quy định niêm yết giá TTBYT chỉ nên bắt buộc với đối tượng là nhà cung cấp cho người dùng cuối (bán lẻ), bãi bỏ quy định DN phải niêm yết giá bán buôn. DN đã niêm yết giá thì không cần phải thực hiện kê khai giá.