Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất bỏ tất cả các quy định về trọng tài bảo hiểm tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: Lê Tiên |
Về trọng tài bảo hiểm, theo quy định tại Điều 69 của Dự thảo, các tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng bảo hiểm có thể giải quyết tại trọng tài. Điều 70, 71, 72, 73 của Dự thảo quy định chi tiết về trọng tài bảo hiểm với các nội dung: trung tâm trọng tài bảo hiểm; tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của trọng tài bảo hiểm; phán quyết của trọng tài bảo hiểm. Như vậy, trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ có trọng tài bảo hiểm giải quyết các vụ tranh chấp.
Hiện nay, phương thức giải quyết bằng trọng tài đang được quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010. Luật này quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Như vậy, theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy định trọng tài là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm thì trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm.
VCCI cho rằng, Dự thảo quy định riêng về trọng tài bảo hiểm sẽ xảy ra một số tình trạng đáng xem xét. Đó là, khi cả hai tổ chức trọng tài đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khi điều kiện thành lập, hoạt động của hai tổ chức này là khác nhau. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức khi thực hiện cùng một hoạt động.
Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định về trình tự, thủ tục trọng tài, trọng tài viên hay trung tâm trọng tài. Việc Dự thảo quy định thêm về trung tâm trọng tài bảo hiểm, trình tự, thủ tục trọng tài, trọng tài viên bảo hiểm sẽ khiến cho hệ thống pháp luật về trọng tài trở nên thiếu nhất quán.
Mặt khác, các quy định về trọng tài bảo hiểm tại Dự thảo cũng có một số vấn đề. Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài được phân loại thành hai nhóm: trọng tài vụ việc (là hình thức giải quyết theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận) và trọng tài quy chế (là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó).
Trong khi đó, Khoản 1 Điều 70 của Dự thảo quy định “trọng tài bảo hiểm là phương thức giải quyết tranh chấp theo vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do các bên thỏa thuận theo nguyên tắc công khai, độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy đưa đến cách hiểu là trọng tài bảo hiểm chỉ có trọng tài vụ việc, các bên không thể sử dụng trọng tài quy chế để giải quyết tranh chấp bảo hiểm.
Điều 71 của Dự thảo quy định tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm. So sánh với tiêu chuẩn trọng tài viên tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì quy định tại Dự thảo là khắt khe hơn. Luật Trọng tài thương mại 2010 được áp dụng chung và không quy định ngoại lệ cho các lĩnh vực riêng. Do đó, quy định này tại Dự thảo là chưa thống nhất với Luật Trọng tài thương mại 2010.
Mặt khác, với thị trường bảo hiểm có số lượng không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm như nước ta hiện nay, đặt ra yêu cầu khá cao đối với trọng tài bảo hiểm như “có trình độ từ đại học trở lên tối thiểu một trong các chuyên ngành luật, bảo hiểm, tài chính và có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm từ 15 năm trở lên tại các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc có kinh nghiệm công tác tại cơ quan quản lý về bảo hiểm từ 10 năm trở lên”.
Quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng: số lượng trọng tài viên bảo hiểm mà các bên có thể lựa chọn rất hạn chế (vì không phải ai cũng đáp ứng được điều kiện cao như trên); những trọng tài viên này rất dễ có xung đột lợi ích dẫn tới không thể tham gia giải quyết tranh chấp; hoặc nếu tham gia thì rất dễ bị khiếu nại và bị yêu cầu thay đổi. Điều này có thể làm cho nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp bảo hiểm không thể được vận hành.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị bỏ toàn bộ quy định về trọng tài bảo hiểm, tức là bỏ Điều 70, 71, 72, 73 của Dự thảo. Nếu phương thức giải quyết bằng trọng tài trong lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều bất cập, vướng mắc, Ban soạn thảo cần kiến nghị sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010. Các vấn đề liên quan đến trọng tài cần được giải quyết tại pháp luật về trọng tài thương mại để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.