Đảm bảo tiến độ sửa đổi chính sách, hướng dẫn thực thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ CPTPP. Ảnh: Lê Tiên |
Áp lực sửa đổi chính sách
Để đảm bảo thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, đề xuất Danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP. Kết quả, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản gồm: 8 luật, 4 nghị định; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản, gồm 6 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế. Đồng thời, trong quá trình thực hiện Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật chưa tương thích, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
8 luật dự kiến sửa đổi, bổ sung bao gồm: Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Lao động; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, một số luật được Quốc hội thông qua mới đây đáp ứng được cam kết trong CPTPP.
Ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, những nội dung sửa đổi, bổ sung 8 luật đảm bảo thực thi CPTPP không phải quá lớn. “Xét ra, 8 luật là nhiều, nhưng thực ra sửa đổi không nhiều, chỉ là 1 - 2 điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động… Trong quá trình đàm phán đều đã được phân tích, đánh giá cẩn trọng. Với CPTPP, ngưỡng mở cửa cao và rộng hơn nhiều, song đây là mức Việt Nam hoàn toàn có thể chịu đựng và kiểm soát được. Vấn đề lớn nhất bây giờ là quy định thực thi Hiệp định”, ông Phương nói.
Về sự chuẩn bị của Việt Nam để thực thi cam kết trong CPTPP, ông Phương cho rằng, trên thực tế, tất cả những cam kết của Việt Nam trong CPTPP đều đã được chúng ta chuẩn bị khá kỹ. “Chẳng hạn, với cam kết về đầu tư, không phải bây giờ mới làm mà trong quá trình đàm phán (ngay từ năm 2014), chúng tôi đã tính sửa luật để cho tương thích như đàm phán mở cửa theo hướng tiếp cận chọn bỏ…”.
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, CPTPP bao gồm nhiều cam kết mới về quy tắc, thể chế, những cam kết tác động tới hệ thống pháp luật trong nước. Do đó, khi thực thi CPTPP, hệ thống các văn bản pháp luật của chúng ta trong nhiều lĩnh vực sẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực pháp luật nội địa liên quan tới các khía cạnh có cam kết đều sẽ phải sửa đổi. Có những cam kết có lộ trình, Việt Nam chỉ phải thực hiện sau một vài năm.
Hướng dẫn kịp thời, đảm bảo thực thi
Thông tin với Báo Đấu thầu ngày 21/1/2019, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định. “Dự kiến trong tuần tới, Chính phủ sẽ sớm ban hành Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định CPTPP đảm bảo quá trình thực thi hiệu quả”, ông Khanh nói.
Về việc sửa đổi, bổ sung 8 luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật sửa một số luật thực thi CPTPP để trình Quốc hội cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều văn bản hướng dẫn thực thi cam kết của Việt Nam trong CPTPP về mua sắm chính phủ; sở hữu trí tuệ đã được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn. Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giai đoạn 2019 - 2022…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, các chuyên gia kinh tế tin tưởng, việc sửa đổi chính sách để thực thi CPTPP hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội từ Hiệp định.