Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, việc triển khai tổ chức thực thi Luật còn gặp phải khó khăn do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được thành lập, dẫn tới công tác điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn 2019 - 2021 không thể triển khai theo quy định.
Mặc dù vậy, cơ quan này cũng cho biết, trong 2 năm thực thi, có thể nhận thấy bước đầu Luật đã được triển khai thực hiện và dần đi vào cuộc sống. Hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường được tăng cường kiểm soát. Từ năm 2019 đến nay, cơ quan quản lý canh tranh đã tiếp nhận và xử lý 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật với số lượng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là 258 doanh nghiệp (trong đó, số lượng doanh nghiệp nước ngoài là 131 và số lượng doanh nghiệp Việt Nam là 127)…
Về quản lý hạn chế cạnh tranh, chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng khoảng gần 100 vụ việc trên nhiều thị trường, lĩnh vực, ngành nghề để thu thập, xác minh các thông tin, dấu hiệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, trên cơ sở đó khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã có báo cáo Hội đồng cạnh tranh để xử lý đối với 4 vụ việc (trong đó có những vụ việc có tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm như vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường du lịch, vụ việc grab/uber...).