Sớm khơi thông tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam

(BĐT) - Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn, thiếu hụt về tăng trưởng trong năm nay do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt, việc chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công hoàn toàn trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là cần thiết khi nguồn lực tư nhân đang bị đứt đoạn, khó kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong khi con đường huyết mạch quan trọng của quốc gia càng sớm khơi thông ngày nào, càng đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế.
Nếu suôn sẻ, 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công gói thầu đầu tiên trong giai đoạn từ 20/8 đến 30/8/2020. Ảnh: Lê Tiên
Nếu suôn sẻ, 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công gói thầu đầu tiên trong giai đoạn từ 20/8 đến 30/8/2020. Ảnh: Lê Tiên

Sớm khởi công dự án

Dự án Xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14. Theo Nghị quyết, Dự án gồm 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư công hoàn toàn, 8 dự án BOT) với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng được bố trí trong Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020.

Với tinh thần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công hoàn toàn. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, tính toán lại chi tiết trong tổng mức đầu tư, tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi, bảo đảm khả thi hơn, rút ngắn hơn thời gian hoàn thành thủ tục so với tiến độ thủ tục hiện hành theo phương thức PPP.

Về quy trình chuyển đổi, theo một cán bộ của Bộ Tài chính, việc chuyển 8 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công hoàn toàn sẽ làm thay đổi phương thức đầu tư, tăng nguồn vốn đầu tư công tham gia thực hiện Dự án so với chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt, vì vậy phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội chấp thuận chủ trương điều chỉnh Dự án, Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục phê duyệt điều chỉnh Dự án theo quy định của pháp luật, đề xuất nhu cầu bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan. 

Báo cáo gửi đến Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ GTVT khẳng định, nếu thực hiện suôn sẻ, 8 dự án sẽ khởi công gói thầu đầu tiên trong giai đoạn từ 20/8 đến 30/8/2020 và toàn bộ các gói thầu sẽ khởi công trong tháng 9/2020 với điều kiện là Tổ giám sát liên ngành phải rút ngắn được thời gian rà soát hồ sơ hoặc tiến hành hậu kiểm. 

Cơ hội cho nhà thầu Việt

Đồng tình với tầm quan trọng của thúc đẩy đầu tư công trong năm nay, TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công nên tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, dự án lớn có tác động lan tỏa như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vì các khoản đầu tư công lớn sẽ dễ quản trị hơn so với ồ ạt giải ngân các dự án nhỏ, dàn trải. Dự án sau chuyển đổi phương thức đầu tư nên được chia thành các gói thầu phù hợp và giao cho nhiều doanh nghiệp, trên nhiều địa bàn khác nhau vì tuyến đường rất dài, từ đó tạo ra sức lan tỏa, dòng thu nhập cho nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương.

Thực tế, nhìn vào 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư công gồm: đoạn Cam Lộ - La Sơn, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 đã có nhiều gói thầu lựa chọn được nhà thầu là các doanh nghiệp xây dựng, giao thông lớn trong nước. Tiến độ hoàn thành dự kiến của các dự án này vào cuối năm 2021.

Ở Dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường trúng Gói thầu xây lắp số 1 trị giá hơn 1.162 tỷ đồng. Công ty CP Đạt Phương trúng gói thầu xây lắp đầu tiên của Dự án cầu Mỹ Thuận với giá trị hơn 590 tỷ đồng.

Dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn đến nay đã có 11 gói thầu xây lắp, thấp nhất là hơn 350 tỷ đồng, cao nhất trên 900 tỷ đồng, lựa chọn được nhà thầu. Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng, giao thông lớn trong nước đã có cơ hội góp mặt tại các gói thầu lớn thuộc dự án này, như: Công ty TNHH Định An, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN EC, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703, Tổng công ty Thành An, Công ty CP 471, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn…

Đứng đầu liên danh trúng Gói thầu XL9 hơn 623 tỷ đồng thuộc Dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 mới đây tiếp tục đề xuất được tham gia vào 2 dự án thành phần chuyển từ BOT sang đầu tư công hoàn toàn.

Với 3 dự án thành phần đã tạo ra cơ hội cho trên dưới 40 doanh nghiệp xây dựng Việt. Trong thời gian tới, việc chuyển đồng loạt các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công hoàn toàn, dù lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định để đẩy nhanh tiến độ hay đấu thầu rộng rãi, thì cơ hội cho các nhà thầu Việt là rất lớn. Với quy mô lớn, các dự án sẽ giúp tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ, thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng: sắt thép, xi măng, sản phẩm hóa dầu (nhựa đường)...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư