TAND TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), nơi ông Nguyễn Văn Thanh Bình từng là Phó Chánh án. |
Theo cáo trạng, tháng 2/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm vụ kiện ly hôn chia tài sản giữa vợ chồng ông Đặng Văn M. và bà Trần Thị L. (ngụ tỉnh Sóc Trăng).
Theo quyết định của tòa, ông M. được sở hữu căn nhà số 4, đường Tôn Đức Thắng (phường 8, TP Sóc Trăng), song phải trả cho bà L. hơn 1,7 tỷ đồng. Sau khi có bản án, bà L. làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó rút đơn, cam kết không khiếu nại về sau.
Căn nhà được ông M. bán cho bà Nguyễn Thị N. (ngụ phường 2, TP Sóc Trăng) và bà N. sau đó đã chuyển nhượng cho một người khác với giá 4,5 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận, bà N. nhận tiền đặt cọc 2 tỉ đồng của người mua, sau 30 ngày kể từ ngày nhận tiền, bà N. phải hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng, nếu không bà N. phải trả 2 tỉ đồng tiền nhận cọc và 2 tỉ đồng tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Đến lúc này, bà Trần Thị L. làm đơn khởi kiện gửi đến TAND TP Sóc Trăng yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm giao dịch mua bán nhà đất nêu trên.
Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình (Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng) được phân công thụ lý vụ kiện. Ngày 22/2/2013, ông Bình ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm ông M. và bà N. chuyển nhượng, mua bán căn nhà.
Trước quyết định này, bà N. làm đơn khiếu nại kèm theo các tài liệu chứng minh bà L. không còn liên quan đến căn nhà. Tuy nhiên, Chánh án TAND TP Sóc Trăng đã bác khiếu nại của bà.
Do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên bà N. không làm được thủ tục sang tên nhà đất cho người khác và phải đền tiền cọc 2 tỉ đồng. Bà N. gửi đơn yêu cầu TAND TP Sóc Trăng bồi thường cho bà theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, bà Trần Thị L. không có tư cách nguyên đơn, không còn tư cách tố tụng. Bản án đã tuyên ông Đoàn Văn M. được quyền sở hữu toàn bộ căn nhà nêu trên. Khi bà L. gửi đơn khởi kiện, theo quy định pháp luật, không đúng trình tự thì tòa phải trả đơn, nếu nhận đơn thì phải xác minh đủ căn cứ thụ lý hay không. Tuy nhiên, thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình đã không xác minh mà vẫn thụ lý vụ kiện của bà L.
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao nhận định, thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình biết rõ quyết định của mình là sai trái nhưng bất chấp pháp luật. Hậu quả từ quyết định trái luật đó của thẩm phán Bình đã khiến bà N. phải chịu tiền phạt đặt cọc 1,9 tỉ đồng do không bán được nhà. Ngoài số tiền phạt đặt cọc, bà N. còn yêu cầu tòa án bồi thường 5,9 tỉ đồng.
Với sai phạm đó, Viện KSND Tối cao quyết định truy tố Nguyễn Văn Thanh Bình về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009.