Sơ tuyển lần 2 Dự án hơn 3.300 tỷ đồng tại Thanh Hóa: Chỉ 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (Bên mời thầu) vừa công bố nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự sơ tuyển và trúng sơ tuyển Dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch khu vực Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam thành phố Thanh Hóa.
Dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây được thực hiện tại xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây được thực hiện tại xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Đó là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn - Công ty CP Đầu tư phát triển Gama - Công ty CP Dịch vụ Thanh Hóa.

Trước đó, Dự án đã phải hủy sơ tuyển do hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) được duyệt không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, với tổng diện tích đất sử dụng là 489.700 m2, trong đó diện tích đất ở chia lô liên kế là 74.127 m2, diện tích đất nhà ở biệt thự là 47.412 m2, diện tích đất nhà ở xã hội là 23.338 m2, còn lại là diện tích đất dịch vụ thương mại, công cộng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến tại thời điểm mời sơ tuyển lần 1 là 2.551 tỷ đồng, được thực hiện tại xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo thông báo mời thầu là rộng rãi quốc tế.

Dự án đã được phát hành HSMST lần đầu từ ngày 1/4/2019 và đóng sơ tuyển vào ngày 3/5/2019. Tuy nhiên, quá trình đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của nhà đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa thẩm định không “suôn sẻ”. Ngày 21/11/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án này vì HSMST được duyệt không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Từ ngày 8/4 - 11/5/2020, Bên mời thầu đã phát hành HSMST lần 2 với tổng mức đầu tư của Dự án là 3.362 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 101,5 tỷ đồng). Nhà đầu tư tham gia thực hiện Dự án phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo vốn chủ sở hữu từ 15% tổng mức đầu tư trở lên.

Cán bộ của Bên mời thầu cho biết, trong lần sơ tuyển thứ 2, có 5 nhà đầu tư mua HSMST nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển và trúng sơ tuyển. Việc tăng tổng mức đầu tư Dự án là do trong lần mời sơ tuyển thứ 2, Dự án dự kiến sẽ được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phần xây dựng công trình chính. Hiện nay, phần diện tích thực hiện Dự án gần 49 ha vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa sẽ trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư dự kiến bắt đầu trong quý III/2020. Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ chuyển chi phí giải phóng mặt bằng (101,5 tỷ đồng) cho đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa giao để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khuôn khổ quỹ đất thực hiện Dự án cũng dành 1 quỹ đất để tái định cư cho các hộ dân thổ cư trong diện giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến là 7 năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cả 3 thành viên của Liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển đều có địa chỉ ở thành phố Thanh Hóa. Trong đó, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn được công bố trúng 13 gói thầu nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong vòng gần 5 năm qua. Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa từng lựa chọn Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn thực hiện Gói thầu Xây dựng các hạng mục + thiết bị công trình thuộc Dự án Di chuyển đường dây trung thế, hạ thế và các trạm biến áp phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Khu dân cư Trường Đại học Hồng Đức, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa.

2 thành viên còn lại của Liên danh trúng sơ tuyển đều là các doanh nghiệp mới thành lập, chưa từng được công bố trúng gói thầu nào.

Chuyên đề