Bị cáo Phạm Công Danh. |
Ngày 14/12, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Số tiền 4.500 tỉ đồng không phải của Phạm Công Danh
Đối với nội dung thu hồi 4.500 tỉ đồng được Phạm Công Danh chuyển vào VNCB tăng vốn điều lệ nhưng không được ngân hàng Nhà nước đồng ý, Danh đề nghị VNCB (nay là CB) trả lại để khấu trừ hậu quả vụ án và được HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận.
Không đồng ý điều này, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị nêu Danh dùng tên một số cá nhân chuyển số tiền này về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền này là bất hợp pháp, không phải của Danh, 4.500 tỉ đồng chưa được ngân hàng Nhà nước cho phép hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB và đã được Phạm Công Danh sử dụng hết, nên không có cơ sở tuyên buộc CB trả lại cho Danh, 4.500 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.
Khi Viện kiểm sát hỏi về khoản tiền 4.500 tỉ đồng, sau khi ngân hàng Nhà nước không chấp nhận tăng vốn điều lệ thì được hạch toán như thế nào? Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) trả lời số tiền này sẽ được trả trở lại cho các cổ đông nhưng các bị cáo chưa thực hiện được do thời điểm đó VNCB rất khó khăn, nếu rút ra thì không còn thanh khoản.
Về việc sử dụng số tiền này, Mai khai theo hồ sơ vụ án, từ ngày 14/2/2014 – 26/7/2014, có khoảng 80.000 tỉ đồng đi vào tài khoản VNCB tại sở giao dịch ngân hàng Nhà nước. Đến cuối ngày 26/7/2014, có khoảng 81.000 tỉ đồng đi ra khỏi tài khoản VNCB, trong đó có 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ. Vì dòng tiền ra vào quá lớn, nên khi đã hòa chung thì không thể tính được 4.500 tỉ đồng sử dụng vào đâu.
Khi trả lời một số câu hỏi của luật sư, Mai khẳng định 4.500 tỉ đồng được sử dụng phục vụ hoàn toàn cho VNCB với 7 mục đích chứ không phải phục vụ cho cá nhân ông Phạm Công Danh, gồm: cho vay khách hàng, liên quan các khoản nợ phải thu, trả tiền cho ngân hàng Nhà nước, giảm các khoản nợ phải trả của TrustBank…
Theo Mai, tiền vào với mục đích tăng vốn điều lệ, nhưng không được ngân hàng Nhà nước đồng ý, thì tiền đó phải là của họ, được quyền rút ra.
Cho 4 bị cáo hưởng án treo là trái luật
Tiếp đó, HĐXX thẩm vấn 4 bị cáo được TAND TPHCM xử sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM có kháng nghị không cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh.
Viện kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm cho 4 bị cáo hưởng án treo là trái luật.
Phản bác kháng nghị, cả 4 bị cáo cho rằng họ chỉ là những người làm công ăn lương của công ty Tập đoàn Thiên Thanh, họ là tạp vụ, bảo vệ, rửa xe rồi được ông Danh nhờ đứng tên một công ty cho ông Danh.
Các bị cáo không hưởng lợi và không biết gì về hành vi sai phạm của bị cáo Danh. Bị cáo Nguyễn Tấn Thành khai: “Thời điểm đó bị cáo làm bảo vệ tại Tập đoàn Thiên Thanh, được ký với chức danh gì cũng không biết, có khi ký trên tờ giấy trắng, bị cáo ký không lấy tiền. Lương bảo vệ của bị cáo là 5 triệu đồng, sau đó tăng lương lên 10 triệu đồng”.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân cũng trình bày: “Bản chất bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, bị cáo chỉ có một hành vi là ký khống trong một vụ án, cùng một tội danh nhưng được tách ra thành 2 giai đoạn, nên mong HĐXX và Viện KSND xem xét”.
Ngày 17/12, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM sẽ phát biểu quan điểm về vụ án.