Sở hữu chung - riêng tại chung cư 229 Phố Vọng: Sẽ xem xét trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cư dân

Tổ hợp chung cư 229 Phố Vọng được thực hiện khi các quy định pháp luật về nhà chung cư chưa hoàn thiện dẫn đến tranh chấp kéo dài, đặc biệt vấn đề sở hữu chung - riêng.
Chung cư A1, A2 (229 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Chung cư A1, A2 (229 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).

Dân đề xuất làm nhà sinh hoạt cộng đồng

Chiều 12/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp giữa Ban Quản trị Chung cư 229 Phố Vọng.

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Ban quản trị chung cư 229 Phố Vọng, CTCP Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà, Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Đồng Tâm.

Được biết, Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà được giao làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu hỗn hợp và trường học 229 Phố Vọng.

Dự án được thực hiện từ năm 2004 - thời điểm Luật Nhà ở 2005 chưa được ban hành. Năm 2008, tổ hợp chung cư được đưa vào sử dụng.

Sau đó, năm 2011, Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà tiến hành cổ phần hóa. Quá trình cổ phần xác định, Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà không còn tài sản và quyền sở hữu ở chung cư 229 Phố Vọng và bàn giao sang Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai (Công ty Sao Mai) vận hành, quản lý Khu chung cư 229 Phố Vọng.

Đến nay, một số hạng mục theo quy hoạch chưa được chủ đầu tư hoàn thành bao gồm 2 diện tích 500 m và 200 m được quy hoạch làm đường đi, cây xanh và bãi đỗ xe…

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà thừa nhận chưa hoàn thành hạng mục này và cho biết diện tích này chờ chỉ đạo của Hà Nội để thực hiện.

Đại diện Ban Quản trị chung cư cho rằng sử dụng diện tích 200 m theo đúng quy hoạch làm đường đi và cây xanh thì có phần lãng phí.

Dự án thực hiện khi chưa có Luật Nhà ở 2005 nên trong thiết kế không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Do đó, cư dân đề xuất sử dụng phần diện tích này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố 10E, 10G (gồm 2 nhà chung cư A1, A2 và các nhà biệt thự của dự án).

Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của đại diện chính quyền phường sở tại.

Chung – riêng thế nào?

Một nội dung quan trọng của buổi làm việc là vấn đề sở hữu chung riêng đối với tầng 1 và tầng hầm của tòa nhà.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các bên liên quan kiểm tra hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng công trình chung cư, xác định phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng và đề xuất việc quản lý sử dụng nhà chung cư theo quy định, báo cáo UBND Thành phố.

Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà và Công ty Sao Mai tổng hợp số liệu báo cáo doanh thu từ việc kinh doanh tầng 1 trong những năm qua và cho biết phần nào hỗ trợ chi phí bảo trì, phần nào ghi nhận doanh thu.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản trị cho rằng Công ty Sao Mai vẫn giữ tầng hầm và tầng 1 của 2 tòa nhà A1 và A2 để cho thuê, không bàn giao các phòng kỹ thuật điện nước ở 2 tầng này, gây ảnh hưởng đến an toàn chung trong vận hành 2 tòa nhà. Diện tích tầng hầm phải trả lại cho chủ sở hữu là cư dân.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, dự án được thực hiện khi Luật Nhà ở chưa được ban hành do đó phải thực hiện theo các quy định tại thời điểm đó. Cũng vì chưa có Luật Nhà ở nên chung cư này không có phí bảo trì.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội tại thời điểm đó, nguồn thu từ việc kinh doanh tầng 1 một phần được sử dụng bù đắp cho việc bảo trì, sửa chữa vận hành tòa nhà, một phần được ghi nhận vào doanh thu của chủ đầu tư. Do chủ đầu tư trước đây cũng như Công ty Sao Mai hiện nay đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nên phần doanh thu này được ghi nhận như là tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà và Công ty Sao Mai tổng hợp số liệu báo cáo doanh thu từ việc kinh doanh tầng 1 trong những năm qua và cho biết phần nào hỗ trợ chi phí bảo trì, phần nào ghi nhận doanh thu.
Về vấn đề chung - riêng, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh cơ quan này sẽ xem xét trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người dân, phù hợp với các quy định pháp luật. Trường hợp xác lập sở hữu Nhà nước thì diện tích tầng 1 và tầng hầm sẽ được quản lý theo đúng các quy định về tài sản Nhà nước và đảm bảo một phần nguồn thu sẽ được sử dụng cho việc bảo trì, vận hành tòa nhà.

Riêng khu vực kỹ thuật vận hành tòa nhà bao gồm hệ thống điện, nước, thang máy, cứu hỏa, đại diện Sở Xây dựng nêu ý kiến Công ty Sao Mai cần bàn giao lại cho Ban quản trị để đảm bảo an toàn trong trường hợp có sự cố.

9 năm mới có Ban Quản trị

Nhiều năm qua, cư dân tại 2 nhà chung cư A1, A2 của dự án nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng khiếu nại các vấn đề bức xúc. Chẳng hạn như việc chậm trễ thành lập Ban quản trị nhà chung cư kéo dài suốt 9 năm, Công ty Sao Mai nêu lý do là chưa xác định được chủ sở hữu nhà chung cư. Và đến cuối tháng 12/2016, Ban quản trị chung cư mới được thành lập.

Quá trình bàn giao lại phát sinh tranh chấp diện tích chung - diện tích riêng, Công ty Sao Mai không bàn giao diện tích tầng hầm, không bàn giao đầy đủ hồ sơ. Diện tích tầng 1 được chia nhỏ, thay đổi công năng thiết kế ban đầu để cho thuê…

Chuyên đề