Tổ công tác rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an |
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, trong cuộc họp sáng nay với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, Sở đã xin ý kiến về việc đề nghị Công an tỉnh khởi tố, vào cuộc điều tra những vi phạm về điểm thi THPT.
Ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết, trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục, cũng trong sáng nay tại cuộc họp thường trực UBND tỉnh ông đã giao việc này cho Công an tỉnh.
Bộ Công an cũng cho biết để làm rõ những dấu hiệu bất thường về điểm thi ở Hà Giang, Bộ đã cử đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) tham gia cùng đoàn thanh tra tại Hà Giang trong những ngày qua. Đến nay, kết quả bước đầu đã được công bố trong cuộc họp báo vào chiều 17/7, việc có khởi tố hay không phải chờ làm rõ các dấu hiệu sai phạm.
Trước đó, chiều 17/7, trong cuộc họp báo công bố kết quả xác minh ban đầu về dấu hiệu sai phạm về điểm thi, Bộ Giáo dục cho biết qua điều tra ban đầu, tổ công tác xác định có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn một điểm so với chấm thẩm định. Có em tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95 so với chấm thẩm định.
Tổ công tác xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang.
"Quá trình điều tra, kiểm tra điện thoại của ông Lương, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh", ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4 (A83) cho hay.
Nhà chức trách cho rằng khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính... Trong hơn hai tiếng, từ 12h đến 14h38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước. Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi. Nhà chức trách đang làm rõ có ai tiếp tay trong việc này hay không.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh hành vi sửa điểm của vị phó phòng, nếu đủ dấu hiệu xử lý hình sự, có thể bị truy cứu về tội Giả mạo trong công tác, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.