Siết tỷ lệ cấp tín dụng - thách thức mới đối với DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ 1/7/2024, nhiều quy định mới có hiệu, trong đó, có quy định liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, giảm hạn mức cho vay tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan. Quy định mới được đánh giá sẽ tác động đến khả năng huy động, chi phí vốn vay của doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực cần nhu cầu vốn lớn như xây dựng hạ tầng, bất động sản, công nghiệp nặng…
Trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang
Trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 yêu cầu, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%). Ngoài ra, Luật cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giới hạn hạn mức tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, quy định mới này một mặt nhằm kiểm soát hoạt động cho vay tập trung quá mức của ngân hàng, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng với tình huống cho vay sân sau. Bên cạnh đó, quy định này cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh phát hành trái phiếu đang rất khó khăn, đặc biệt đối với các dự án xây dựng hạ tầng (cao tốc, cầu, đường…), hay dự án bất động sản đòi hỏi nhu cầu vốn lớn. Các tác động này buộc doanh nghiệp phải tính đến phương án vay hợp vốn từ nhiều ngân hàng.

“Tuy nhiên, nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần làm việc với một ngân hàng thì nay phải làm việc với nhiều ngân hàng khác nhau, qua nhiều bên thẩm định, định giá. Điều này sẽ khiến việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng phức tạp hơn và làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp. Việc quản trị danh mục vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ phức tạp hơn”, ông Huân bình luận thêm.

Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC Việt Nam) cho rằng, đối với các doanh nghiệp, để bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất, thách thức chính là độ phức tạp và chi phí khi đi vay vốn sẽ tăng lên (ví dụ: khoản vay hợp vốn). Tuy nhiên, quy định mới này cũng tạo lợi thế tiềm tàng cho các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm khoản vay. Các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược cho vay, cập nhật quy trình quản lý rủi ro tín dụng và cả mối quan hệ với khách hàng. Bên cạnh đó, cũng có ưu điểm là ngân hàng có cơ hội đa dạng hóa danh mục tín dụng, phân tán rủi ro tín dụng trên nhiều đối tượng vay.

Theo ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Chủ đầu tư Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và là nhà thầu thực hiện nhiều công trình giao thông lớn, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm bảo đảm các tỷ lệ an toàn vốn khác, bên cạnh khả năng mở rộng tín dụng cho thị trường. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng theo lộ trình 5 năm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận vốn.

“Trong trường hợp một dự án tốt mà một ngân hàng không đủ khả năng tài trợ toàn bộ vốn theo quy định mới này thì có thể huy động từ nhiều ngân hàng. Vấn đề là phải chứng minh được dự án tốt, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, thì sẽ không khó”, ông Nhận chia sẻ.

Ngoài phương án vay hợp vốn, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh huy động vốn, như cổ phiếu và trái phiếu, vì đây mới là nguồn vốn cho các dự án dài hạn.

Chuyên đề