Ông Trịnh Xuân Thanh |
Chiều 8/1, khác với các phiên xét xử đại án, mở đầu phần thẩm vấn vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), HĐXX không xét hỏi các bị cáo có vai trò chính trước. Trong lúc này, hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị áp giải rời phòng xử sang khu vực cách ly. Suốt buổi chiều làm việc, hai ông không được đưa trở lại.
Tại phòng xử, HĐXX xét hỏi các bị còn lại về hành vi của hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong việc chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định; sai phạm trong việc PVN cho PVC tạm ứng hơn 6,6 triệu USD cùng 1.300 tỷ đồng dẫn đến số tiền này bị sử dụng sai mục đích.
Theo nội dung vụ án, sau khi được Thủ tướng phê duyệt cho thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thấy Tổng công ty PVC do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT gặp khó khăn về tài chính, ông Đinh La Thăng (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã chỉ định thầu trái luật cho PVC. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chóng vánh với PVC và cho công ty này tạm ứng hàng nghìn tỷ đồng. Nhận được ưu ái từ PVC, khi có tiền tạm ứng, ông Thanh chỉ đạo dùng tiền trả nợ, đầu tư vào các công ty con và chỉ dành một phần tiền nhỏ vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Chiều nay, khi xét xử cả chục bị cáo liên quan việc này đã có nhiều câu trả lời trái ngược khiến HĐXX cho đối chất ngay. Trong hai cuộc đối chất, thẩm phán Trương Việt Toàn đã hỏi ít nhất 10 lần câu hỏi: “Vì sao bị cáo biết sai mà vẫn ký duyệt tạm ứng?” cùng nhiều cầu hỏi dồn dập đi thẳng vào bản chất khiến nhiều bị cáo lúng túng.
Ai cũng biết sai những vẫn ký
Cuộc đối chất thứ nhất diễn ra giữa bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2) với các bị cáo Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN).
Ông Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN
Ông Chương khai biết hợp đồng có vấn đề lớn nên để tránh rủi ro cho chủ đầu tư đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến chỉ đạo nhưng không ai trả lời.
“Bị cáo nhận thức hợp đồng 33 là sai, kể cả điều khoản tạm ứng”, ông Chương khai.
Thẩm phán Toàn hỏi: “Vì sao biết hợp đồng chưa đầy đủ mà vẫn ký công văn đề nghị tạm ứng?”. Ông Chương nói chịu sức ép từ lãnh đạo Tập đoàn, cụ thể là các công văn của ông Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu phải chuyển tiền ngay trong ngày.
“Với trách nhiệm của mình, tôi đã làm tất cả mọi việc có thể làm nhưng không thể làm thay đổi quyết định của lãnh đạo Tập đoàn”, ông Chương nói.
“Cụ thể là ai?”, Thẩm phán Trương Việt Toàn truy hỏi. Ông Chương trả lời ngay: “Là anh Đinh La Thăng và tất cả các ban nội dung của Tập đoàn cứ yêu cầu phải làm ngay. Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai đời lại yêu cầu chuyển số tiền vậy ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới, hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên”, ông Chương trình bày.
Trong lời khai tiếp theo, ông Chương cho hay sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên cho Ban quản lý dự án, Tập đoàn PVN có một công văn hỏa tốc do Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn ký, đề nghị Ban quản lý dự án đề nghị chuyển hết tiền tạm ứng cho PVC ngay trong ngày.
Trước lời khai này, HĐXX gọi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lên đối chất. Bị cáo Sơn khai, thấy Tập đoàn đã có ý kiến chỉ đạo việc chuyển tiền theo hợp đồng nên thực hiện. Ông Sơn cũng khai việc ký công văn hỏa tốc là thực hiện chỉ đạo chuyển tiền ngay trong ngày cho PVC của Chủ tịch Đinh La Thăng.
Chi hàng triệu USD dù biết là sai
Sau cuộc đối chất thứ nhất khoảng nửa tiếng, cuộc đối chất thứ hai diễn ra giữa ông Nguyễn Xuân Sơn với Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán PVN).
Ông Ninh Văn Quỳnh.
Đứng trước bục khai báo chiều nay, ông Quỳnh nhanh nhẹn hơn ở phiên sơ thẩm xét xử Đại án Oceanbank cách đây hơn ba tháng cũng đối chất với ông Sơn. Giọng trầm, khai rõ ràng, ông Quỳnh nhận thấy việc ký kết hợp đồng 33 là sai. Nhưng cựu kế toán trưởng PVN giải thích căn cứ vào kế hoạch của ban quản lý dự án nên mới ký cấp tiền chứ không chỉ dựa vào hợp đồng 33.
“Những lần sau xuất tiền đều theo chỉ đạo của anh Nguyễn Xuân Sơn”, ông Quỳnh khẳng định. Theo ông Quỳnh, ông Sơn nói dù hợp đồng 33 còn nhiều thiếu sót nhưng Chủ tịch Thăng đang rất nóng giận nên cứ chuyển tiền trước rồi sẽ hoàn thiện. Vì vậy, ông Quỳnh duyệt tạm ứng cho nhà thầu hơn 7 triệu USD (tương đương với 6% giá trị hợp đồng).
“Bây giờ bị cáo đã nhận thức được sai. Tất cả mọi người ở PVN như bị cáo không ai là không nhận thức được hợp đồng 33 còn nhiều thiếu sót. Nhưng vẫn phải duyệt đề xuất chuyển tiền tạm ứng cho PVC”, bị cáo Quỳnh giải thích.
Ngay khi đó, thẩm phán Toàn hỏi dồn dập: “Theo bị cáo một hợp đồng còn đang tranh cãi, tiếp tục phải hiệu chỉnh thì đã bỏ tiền ra tạm ứng được chưa? Hợp đồng đó đã có hiệu lực chưa?". Ông Quỳnh ấp úng thừa nhận "chưa".
Thẩm phán Toàn chất vấn: "Chưa có hiệu lực thì có đủ điều kiện tạm ứng không? Ai chỉ đạo bị cáo thực hiện một hợp đồng chưa có hiệu lực để bị cáo đề xuất, đôn đốc, tham mưu cho lãnh đạo?”. Trước tràng câu hỏi của thẩm phán Toàn, ông Quỳnh khai mình chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Sơn chứ không có ai khác.
Ông Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN
Trời Hà Nội trở rét đậm, 18h30 các bị cáo rời phòng xử trở về nơi tạm giam.
Phiên tòa có nhiều hình thức tố tụng mới
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - cựu phó chủ tịch HĐQT PVC) chia sẻ đây là phiên tòa đầu tiên tại Hà Nội phòng xử được sắp xếp chỗ ngồi theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Mô hình phòng xử tạo ra sự độc lập cho HĐXX khi ngồi ở trên bục dưới quốc huy để điều hành phiên xử. VKS và luật sư ngồi ngang nhau tạo ra không khí hài hòa, bình đẳng. Vị trí ngồi của các bị cáo cũng tạo được sự gần gũi, thân thiện.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến.
Ông nhận thấy HĐXX đã thực hiện theo đề nghị của luật sư đối với người làm chứng, lời khai của các bị cáo nếu có xung đột, mâu thuẫn thì cho cách ly.