Việc cưỡng chế thuế có thể thực hiện bằng cách trích tiền từ một tài khoản hoặc nhiều tài khoản tại các tổ chức tín dụng. Ảnh: Internet |
Đó là một trong các biện pháp đáng chú ý về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Ban soạn thảo cho biết, để đảm bảo thống nhất việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại cơ quan thuế các cấp theo đúng quy định và phù hợp với quy định tại các luật khác, nội dung Dự thảo Nghị định quy định cụ thể đối tượng bị cưỡng chế, thông tin để thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế, các bước thực hiện cưỡng chế, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cưỡng chế đối với từng biện pháp cưỡng chế.
Đối với biện pháp trích tiền từ tài khoản, Dự thảo Nghị định quy định:
Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản, đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước phong tỏa tài khoản đối với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp cơ quan thuế không áp dụng được biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc đã áp dụng nhưng không thu đủ tiền thuế nợ mà có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan hải quan áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 131 Luật Quản lý thuế).
Đối với biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, Dự thảo Nghị định quy định:
Trong thời gian từ ngày cơ quan thuế có văn bản đề nghị thu hồi gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đến ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có quyết định thu hồi hoặc có văn bản về việc không thu hồi thì cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế.
Trong thời gian quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đối tượng bị cưỡng chế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, hoặc số tiền bị cưỡng chế đã được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần, gia hạn, không tính tiền chậm nộp và đối tượng bị cưỡng chế có văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, thì cơ quan thuế lập văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khôi phục tình trạng pháp lý cho doanh nghiệp.