Sau IPO, COMA báo lỗ

(BĐT) - Sau thoái vốn, báo cáo tài chính năm 2017 mới được công bố của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho thấy bức tranh tài chính ảm đạm của doanh nghiệp này. Điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của việc thoái vốn nhà nước tại COMA trong năm 2018.
Doanh thu của COMA năm 2017 đạt 447 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Ảnh: Văn Điềm
Doanh thu của COMA năm 2017 đạt 447 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Ảnh: Văn Điềm

Doanh thu không bù đắp được chi phí

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 vừa công bố của COMA cho thấy những kết quả không mấy khả quan. Sau IPO, kết quả kinh doanh của COMA không những không được cải thiện mà đang có dấu hiệu đi xuống.

Cụ thể, năm 2017, COMA lỗ hơn 37,8 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2017 lên 101,5 tỷ đồng, dù năm 2016 lãi gần 8,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động kinh doanh không đủ để bù đắp chi phí sản xuất và các chi phí hoạt động khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 ghi nhận lỗ tới 36,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH Kiểm toán CPA, đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2017 của COMA cho biết: “Tính đến thời điểm 31/12/2017, Công ty mẹ - COMA chưa thực hiện trích lập dự phòng phải thu đã quá hạn thanh toán và dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính, số dự phòng ước tính cần phải trích lập lần lượt là 107,3 tỷ đồng và gần 7 tỷ đồng. Do đó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và các số liệu trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty với số tiền tương ứng”. Như vậy, nếu phải thực hiện trích lập dự phòng các khoản này, COMA sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm thêm hơn 114 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh thu của COMA đạt 447 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2016. Đây là mức doanh thu thấp nhất của COMA trong 5 năm trở lại đây. Trước đó, doanh thu năm 2014 và 2015 của COMA lần lượt là 1.620 tỷ đồng và 1.089 tỷ đồng.

Như vậy, COMA đã thua lỗ ngay trong kỳ đầu tiên hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. 

Tổng nợ phải trả chiếm 85% tổng tài sản

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, tỷ lệ vốn nhà nước tối thiểu tại COMA dự kiến thoái trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 47,76% và 51%. Tuy nhiên, năm 2017 vẫn chưa thực hiện được việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại COMA theo kế hoạch.
Cơ cấu nguồn vốn của COMA tại thời điểm cuối năm 2017 cho thấy sự mất cân đối. Nợ phải trả chiếm tới 85% tổng tài sản và gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong tổng số 1.074 tỷ đồng nợ phải trả, có tới 1.063 tỷ đồng là nợ phải trả ngắn hạn. Thậm chí, nợ phải trả ngắn hạn của COMA còn lớn hơn tổng tài sản ngắn hạn (1.003 tỷ đồng), điều này cho thấy những khó khăn của COMA trong việc thanh toán các khoản nợ đúng hạn.

Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ ngắn hạn của COMA tại thời điểm cuối năm 2017 là 192,5 tỷ đồng nợ vay (18%); 202 tỷ đồng người mua trả tiền trước (19%); 199,5 tỷ đồng chi phí phải trả (19%).

Cổ phiếu của COMA lên sàn UPCoM từ ngày 27/10/2017 với mã chứng khoán là TCK và giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Những tưởng điều này sẽ giúp cổ phiếu của COMA tiếp cận với đông đảo giới đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi lên UPCoM, cổ phiếu này không có bất kỳ một giao dịch nào.

Thành lập năm 1995, COMA có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực chế tạo, lắp đặt cơ khí tại Việt Nam. Ngày 11/7/2016, doanh nghiệp này đã thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), tuy nhiên không thành công khi chỉ bán được 80.000 trên tổng số 5 triệu cổ phần chào bán và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư