Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công bao gồm: Lập báo cáo kê khai, tổng hợp và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; thành phần Hội đồng xác định giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định; nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hình thức chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý, sử dụng tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được giao vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên cơ sở nhà, đất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cùng phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; ý kiến của chủ tài khoản tạm giữ về nguồn tiền thu được từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để thực hiện dự án đầu tư; xử lý chuyển tiếp.
Đối tượng áp dụng là: Cơ quan nhà nước; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị); doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp nhà nước); công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (gọi là công ty cổ phần).
Đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Hội đồng xác định giá bán tài sản trên đất theo hình thức chỉ định
Dự thảo nêu rõ, thành phần Hội đồng để xác định giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định trong trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP bao gồm: Lãnh đạo Sở Tài chính - Chủ tịch Hội đồng; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc; đại diện của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhà, đất bán; các thành phần khác do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quyết định.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Phiên họp để xác định giá trị tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng trở lên tham dự; trường hợp Hội đồng chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. Chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp để xác định giá trị tài sản. Trước khi tiến hành phiên họp, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá nêu rõ lý do vắng mặt; có ý kiến về các vấn đề liên quan đến giá trị tài sản (nếu có).
Về nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo nêu rõ: Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai đối với nhà, đất xử lý theo hình thức chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 12, Điều 24 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời hạn thuê khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất do doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý), nộp vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất do doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời hạn thuê và thời hạn nộp tiền theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và pháp luật về quản lý thuế.