Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017-2018. |
Trong bức tranh rực rỡ đó, có nhiều mảnh ghép phát tỏa sắc màu lung linh, huyền diệu, cuốn hút, làm say đắm lòng người. Đó là hình ảnh những con người hiện thân cho tinh thần đổi mới sáng tạo, niềm khát khao cống hiến và cả sự dấn thân cho Tổ quốc dù ở đâu, vị trí công tác nào. Họ đã truyền đi nguồn năng lượng tích cực, thổi bùng lên ngọn lửa tinh thần dân tộc, tạo thành một sức mạnh mới, để hiện thực hóa các cơ hội thời đại vào quá trình phát triển đất nước.
Có thể kể đến Đội tuyển bóng đá Việt Nam với thành tích Vô địch bóng đá khu vực sau 10 năm chờ đợi đã tạo ra sự kết nối hàng triệu, hàng triệu trái tim người Việt. Vị thế, hình ảnh quốc gia cũng được tạo nên từ cái tên Phạm Nhật Vượng - một doanh nhân có tầm vóc và sức ảnh hưởng sâu, rộng. Lần đầu tiên, sản phẩm ô tô Việt Nam với thương hiệu Vinfast đã kiêu hãnh góp mặt tại triển lãm ô tô quy mô lớn toàn cầu diễn ra tại Thủ đô Paris, qua đó ghi dấu Việt Nam trên bản đồ ô tô toàn cầu... Đó là em Trần Xuân Tùng, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, người Việt đầu tiên giành Huy chương Vàng Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế...
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của đất nước, có thể nhận thấy, những giai đoạn thái bình thịnh trị đều gắn liền với các tên tuổi hiền tài, kiệt xuất. Đó là Lý Công Uẩn, nhà vua sáng lập ra nhà Lý và có công rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thời Trần đã ba lần đánh bại giặc Mông - Nguyên, là Lê Thánh Tông, vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam đưa chế độ phong kiến đạt đến cực thịnh với những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực đời sống… Và còn vô vàn tên tuổi khác, niềm tự hào của đất nước, vì dung lượng bài viết nên không thể kể hết.
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân tài kiệt xuất không chỉ của Việt Nam mà vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Chính Người đã ý thức được vai trò đặc biệt quan trọng của người hiền tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước. Coi “cán bộ là gốc của mọi việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài. Điều đó được chứng minh bằng cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong công tác cán bộ, Người rất coi trọng việc tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945, hơn hai tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, Người khẳng định: “Kiến quốc cần có nhân tài”.
Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài đặc biệt có ý nghĩa bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang trở thành trung tâm của sự phát triển trên toàn thế giới. Ở đó, con người tài năng, năng động, đổi mới sáng tạo, dấn thân, dám nghĩ, dám làm là hạt nhân quan trọng nhất, quyết định thành công của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh nhiều nguồn lực cho tăng trưởng đã tới hạn thì nguồn lực vô tận, cần khơi dậy đó chính là tiềm lực của con người. Ngay từ khi thành lập, Đảng đã chủ trương xây dựng mọi chính sách xuất phát từ con người và hướng đến phục vụ con người. Năm 2018, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, đổi mới mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về con người đã được ban hành. Từ việc tinh gọn bộ máy đến cải cách tiền lương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Từ khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển đến việc trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước. Từ việc yêu cầu chỉnh đốn, nêu gương của người đứng đầu đến việc quy hoạch lãnh đạo cấp chiến lược…
Chủ trương, đường lối của Đảng ngày nay về vấn đề con người chính là sự tiếp nối truyền thống trọng dụng người tài từ hàng nghìn năm của dân tộc. Những nỗ lực kiến tạo không gian để người Việt tài năng thể hiện, cống hiến chắc chắn sẽ mang đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho đất nước, dân tộc Việt Nam.