Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Ngày 18/7, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN và thống nhất kế hoạch triển khai nhiệm vụ từ nay tới hết năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kết quả trên là khá tích cực khi mà thu ngân sách các tháng cuối năm thường cao hơn so với các tháng đầu năm.
Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu dưới 50%, cũng như có địa phương thu vượt xa dự toán. Điều này đang đặt ra vấn đề về việc xây dựng dự toán thu cần phải phù hợp với từng địa phương
Cụ thể, ước tính cả nước có 43 địa phương có số thu nội địa đạt trên 50% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so với dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, có rủi ro về việc hoàn thành kế hoạch thu của các địa phương khi mà có địa phương thu rất tốt như Bắc Giang đã hoàn thành trên 90% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm. Thế nhưng còn có nhiều địa phương dưới 50%, Hà Nội hoàn thành thu ngân sách xấp xỉ 50%, TP.Hồ Chí Minh – đơn vị chủ lực thu của cả nước thu ngân sách đạt 184.000 tỷ đồng, số tuyệt đối tăng 13.600 tỷ nhưng về tỷ lệ phần trăm chỉ đạt 48,69%.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành phố để xây dựng tốt hơn dự toán thu chi ngân sách năm 2019, khắc phục tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu còn ngân sách địa phương tăng thu và bảo đảm mức thu sát với tình hình của từng địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh có số thu dưới 50% dự toán, làm rõ trách nhiệm của địa phương, không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu.
Về chi NSNN, 6 tháng đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Riêng thực hiện chi đầu tư XDCB (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), tuy tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017 (đạt 31,7% dự toán so với mức 25,6% cùng kỳ), song vẫn chậm so yêu cầu dự toán (có 35 bộ, ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán).
Về chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, nhất là chi thường xuyên như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài...