Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu phấn đấu 100% việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức. Ảnh: Lê Tiên |
Phân bổ vốn đầu tư công đúng nguyên tắc
Bộ KH&ĐT vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Chương trình là phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nhân lực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ KH&ĐT đã đề ra yêu cầu phải duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thực hiện yêu cầu nêu trên, công tác truyền thông được chú trọng, qua đó tăng cường các thông tin liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như đầu tư, đấu thầu, doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai Chương trình, mục tiêu hoàn thiện hệ thống chế độ định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đặt ra. Bộ cũng đặt mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về công tác này.
Đáng chú ý, theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm: chuẩn bị dự án, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, thẩm định quyết định đầu tư chương trình, dự án; lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Bộ cũng sẽ áp dụng các tiêu chí đầu tư xanh trong quá trình sàng lọc, phân bổ và giám sát các dự án đầu tư; tăng cường các giải pháp chống đầu tư phân tán, dàn trải; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.
Đặc biệt, Bộ đặt mục tiêu phấn đấu 100% việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công và thứ tự ưu tiên theo quy định tại Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp (DN), thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đăng ký và hoạt động của DN, hộ kinh doanh, hỗ trợ DN với phương châm “luôn sát cánh, đồng hành cùng DN”. Bộ cũng sẽ thực hiện rà soát và kiên quyết đề nghị xóa bỏ những giấy phép con không phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải được lượng hóa tối đa và công khai, minh bạch, khả thi.
Mục tiêu hỗ trợ DN phát triển cũng sẽ được hiện thực hóa thông qua việc thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng DN để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo sẽ là những nhóm DN nhận được sự hỗ trợ cao nhất. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Qua quá trình rà soát sẽ đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa nhằm tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp; đồng thời nghiên cứu thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với sự tham gia của các hiệp hội DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.