Quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ: Lợi nhuận ngân hàng bớt “ảo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không tính số lãi phải thu của dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vào thu nhập dự thu, giãn 3 năm trích lập dự phòng rủi ro theo đúng bản chất các khoản nợ. Đây là hai điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Với quy định này, lợi nhuận của các ngân hàng được cho là sẽ bớt “ảo” nhưng bức tranh nợ xấu vẫn chưa hiện rõ.
Các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Ảnh: Tiên Giang
Các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Ảnh: Tiên Giang

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiệu lực thi hành từ ngày 17/5/2021. Theo Thông tư 03, các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Thứ nhất là các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Thứ hai là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021.

Thứ ba là số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; hoặc số dư nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời hạn từ 23/1/2020 đến 29/3/2020; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước 17/5/2021.

Thứ tư, khách hàng còn phải thỏa mãn điều kiện được ngân hàng đánh giá không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc, lãi do doanh thu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ năm, khách hàng phải có đề nghị và ngân hàng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo thời gian được cơ cấu lại.

Thứ sáu, ngân hàng không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ vi phạm pháp luật.

Thứ bảy, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và không vượt quá 12 tháng.

Thứ tám, thời hạn cơ cấu lại nợ là đến 31/12/2021.

Thông tư cũng quy định việc bổ sung trích lập dự phòng theo đúng bản chất của khoản nợ. Số tiền phải trích bổ sung là chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực thi hành từ ngày 17/5/2021.

Trong trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, ngân hàng thực hiện trích bổ sung tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất vào 31/12/2021. Tỷ lệ trích lập này tăng lên tối thiểu 60% tại ngày 31/12/2022 và 100% tại ngày 31/12/2023.

Từ 1/1/2024, các tổ chức tín dụng quay trở lại xác định phân loại nợ và trích lập như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng không hạch toán thu nhập (dự thu) mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu.

Bình luận về việc ban hành Thông tư này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, việc gia hạn nợ và chưa chuyển nhóm nợ là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trước diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

“Nhiều doanh nghiệp đang hồi phục và chưa có đủ nguồn tài chính trả nợ. Do đó, việc gia hạn nợ giúp họ có nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Không hẳn tất cả các doanh nghiệp được gia hạn nợ sẽ hồi phục tốt sau dịch và đủ khả năng trả nợ sau khi hết thời hạn gia hạn, nhưng chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ có kết quả tích cực nhờ điều này. Từ phía các tổ chức tín dụng, việc trích lập dự phòng đúng thực trạng khoản nợ và chưa ghi nhận thu nhập dự thu với các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là động thái cần thiết để bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp được phản ánh chân thực”, ông Độ nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Thông tư 03 hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp vượt khó do Covid-19 và kỳ vọng hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, việc chưa chuyển nhóm nợ sẽ khiến bức tranh nợ xấu của các ngân hàng chưa hiện rõ, cần liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trích lập dự phòng của các ngân hàng để tránh rủi ro cho cả hệ thống.

Chuyên đề