Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Kết quả cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua luật này (đạt tỷ lệ 93,72%).
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật này.

Phát biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, kết quả cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua luật này (đạt tỷ lệ 93,72%).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung Khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có một số điểm mới. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng quy định rõ hơn về việc thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời hạn lưu trữ thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này...

Mặt khác, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số; Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37và Điều 38 của luật này, Mục 2 Chương này trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Chuyên đề