Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV |
Chiều 19/7, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị, thông qua chương trình kỳ họp, bầu Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn.
Trong phiên khai mạc ngày 20/7, sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, theo dự kiến chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc hội.
Theo chương trình kỳ họp dự kiến, Quốc hội sẽ dành 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự.
Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ Nhất này, Quốc hội sẽ kiện toàn tổng cộng 50 chức danh theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đáng lưu ý, trong tuần làm việc này, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- o2026 sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo dự kiến, Chính phủ nhiệm kỳ mới gồm 27 chức danh, bao gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Như vậy, nhiệm kỳ mới này sẽ giảm một Phó Thủ tướng so với hiện nay. Chính phủ đang có 5 Phó Thủ tướng, gồm các ông: Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại kỳ họp này để thực hiện trong cả một nhiệm kỳ.
“Các cơ quan nhà nước hoạt động theo nhiệm kỳ, nên kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV thực hiện công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy nhà nước đối với các nhân sự cấp cao của Quốc hội, Chính phủ cũng như một số nhân sự có liên quan với khối tư pháp và các chức danh cần thiết”, bà Thanh cho hay.
Cũng theo bà Thanh, tại kỳ họp lần này, các chức danh được kiện toàn đã được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thông qua các đề án liên quan đến các chức danh của Quốc hội, cũng như đề án cơ cấu của Chính phủ.
"Đề án đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ 2016-2021. Trên cơ sở cân nhắc tổng thể về công tác cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã định hướng và cho ý kiến về đề án cơ cấu của Chính phủ, trước mắt có 4 Phó Thủ tướng”, bà Thanh lý giải.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng dịch
Liên quan đến công tác tổ chức kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện Văn phòng Quốc hội vẫn đang tổng hợp, thống kê số lượng các đại biểu phía Nam xin vắng mặt. Một số địa phương do tình hình dịch bệnh phức tạp xin vắng mặt tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, cũng có một số tình huống phát sinh, như có đại biểu tiếp xúc với F0 (tức là F1), cũng không tham gia kỳ họp.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, công tác phòng, chống dịch phục vụ kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ ĐBQH đến lực lượng phục vụ, các cơ quan của Quốc hội, các phóng viên báo chí, kể cả các khách sạn nơi đón tiếp đại biểu cũng đề nghị tiêm vắc-xin.
Các đại biểu trước khi về Hà Nội cũng như các đại biểu ở Hà Nội đều phát xét nghiệm 3 lần trước kỳ họp diễn ra. Riêng đối với những đại biểu thuộc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16, về Hà Nội tiếp tục xét nghiệm thêm 2 lần nữa, đồng thời được sắp xếp ở khách sạn riêng, đi lại bằng phương tiện riêng, ngồi họp ở khu vực riêng… Trong tình hình dịch bệnh, các đại biểu được bố trí ở các khách sạn 5 sao nhưng với mức giá như khách sạn 2, 3 sao trước đây.
“Với các đoàn ĐBQH, chúng tôi yêu cầu không tổ chức tiếp khách, gặp mặt tại các địa điểm ăn, nghỉ của đại biểu trong thời gian họp; chỉ tổ chức theo kế hoạch của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quán triệt các thành viên trong đoàn là cán bộ chuyên viên, giúp việc ngoài thời gian họp thì không di chuyển ra khỏi địa điểm ăn nghỉ”, ông Cường cho hay.