Ảnh Internet |
Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức chiều 25/5.
Tại buổi họp báo ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc xây dựng trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hướng tới mục tiêu quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công. Bên cạnh đó, có thể khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công hợp lý, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật không điều chỉnh tất cả các nội dung (vì đã có luật chuyên ngành điều chỉnh) mà chỉ quy định những nguyên tắc chung cần tuân thủ nguồn lực từ tài sản công. Qua thảo luận của đại biểu Quốc hội, cơ quan kiểm tra có quy định bổ sung kho số phục vụ tài sản Nhà nước vào tài sản công.
Đáng chú ý, dự án Luật này quy định khá rõ công khai tài sản công. Để bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.
Để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này quy định nội dung cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ; cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Dự án Luật cũng quy định rõ nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan Nhà nước bao gồm: Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật và Nhà nước giao ngân sách hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc đi thuê tài sản. Việc hình thành tài sản công thông qua đầu tư xây dựng, mua sắm, đi thuê tài sản phải được thực hiện theo cơ chế thị trường (được thực hiện chủ yếu thông qua đấu thầu, đấu giá).
Liên quan đến việc khoán xe ô tô công, ông Thịnh cho biết, việc khoán xe ô tô công sẽ do Chính phủ quy định. Nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận cho rằng nên đưa vào dự thảo Luật mức quy định khoán.
Dự kiến ngày 29/5, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.