Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ, Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn và nộp thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm: Quản lý và sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả; mua bảo hiểm tài sản và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật; không được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ, đầu tư chứng khoán (trừ trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ chức, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh), kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và các hoạt động kinh doanh không được phép khác; không được huy động vốn dưới hình thức nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu.
Thu nhập của Quỹ bảo lãnh tín dụng là các khoản phải thu trong kỳ, bao gồm: Thu phí bảo lãnh tín dụng; thu lãi tiền gửi; thu lãi đầu tư trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; thu phí nhận ủy thác của chính quyền địa phương, các quỹ tài chính địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (bên ủy thác) để thực hiện yêu cầu của bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật; thu từ các hoạt động dịch vụ, thu từ cho thuê tài sản của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Chi phí của Quỹ bảo lãnh tín dụng là các khoản chi phí phải chi phát sinh trong kỳ cần thiết cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm: Chi trả lãi tiền vay; chi trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định; chi cho hoạt động mua bán, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá, chi cho huy động vốn; chi cho người lao động gồm chi tiền lương, phụ cấp lương, tiền công, các khoản đóng góp theo lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định…
Dự thảo nêu rõ các khoản Quỹ bảo lãnh tín dụng không được chi là: Các khoản thiệt hại đã được Nhà nước hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường; các khoản chi phạt do vi phạm hành chính; các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, hợp pháp.