Qua 4 tháng, 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - 4 tháng đầu năm 2019, bên cạnh các bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, vẫn còn có 33 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%; trong đó có 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

 

 
Tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn chưa đạt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn chưa đạt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Nhiều địa phương vốn đã giao nhưng phân bổ chi tiết chậm

Ngày 25/4, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, ước giải ngân thanh toán 4 tháng năm 2019 nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 16,27% kế hoạch Quốc hội giao và 16,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó vốn trong nước67.361,932 tỷ đồng, đạt 18,24% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 19,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhìn chung, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng năm 2019 các bộ, ngành và địa phương có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt số liệu giải ngân vốn ngoài nước chỉ là 1.186,565 tỷ đồng; đạt 2,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 6,34% kế hoạch Quốc hội giao và 6,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân.

Đối với nguồn vốn trong nước, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1, theo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phân bổ trước 30/1/2019. Tuy nhiên đến hết tháng 2, các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis nên việc triển khai thanh toán chậm.

Một số dự án khởi công mới hiện nay các chủ đầu tư đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế hoặc đang hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế dự án hoặc đang lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Ngoài ra, do việc chuyển giao một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Bộ GTVT về Ủy ban quản lý vốn nhà nước, vì vậy kế hoạch vốn năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải với số vốn là 1.435,296 tỷ đồng kế hoạch vốn để bố trí các dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) đến nay chưa thể giải ngân được. 

Đối với nguồn vốn nước ngoài, đa số các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo Kế hoạch 2019. Một số địa phương chưa có quyết định giao kế hoạch nên chưa lập đơn rút vốn của năm 2019.

Bộ Tài chính cho biết thêm, một số dự án như Dự án Hỗ trợ Y học từ xa tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với một số bệnh viện địa phương; Dự án Xử lý chất thải tại bệnh viện Việt Đức; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn; Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long…. đã hết hạn giải ngân theo Hiệp định vay, đang làm thủ tục gia hạn rút vốn cho Hiệp định vay và hoàn thiện hồ sơ rút vốn 2019.

Đề nghị thu hồi, điều chuyển vốn

Trong báo cáo, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức kiểm tra để xác định nguyên nhân không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương (Yên Bái, Hòa Bình) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi số vốn này về ngân sách trung ương. Đồng thời, rà soát, thu hồi về trung ương số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ cho dự án cụ thể (trừ số vốn giao để thực hiện các Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo từ nguồn 10% vốn dự phòng CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các dự án khởi công mới được thực hiện theo cơ chế đặc thù không phải thực hiện quy định có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/10/2018).

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương phân bổ chưa đúng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện rà soát, điều chỉnh, đảm bảo giao kế hoạch đúng quy định. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế, dự toán, các thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đối với các dự án khởi công mới. Đồng thời, đôn đốc chỉ đạo chủ đầu tư có những dự án khởi công mới chưa đến mở tài khoản tại KBNN thì đẩy nhanh tiến độ đấu thầu và ký hợp đồng gửi tới KBNN để giải ngân.

Đồng thời, rà soát khả năng giải ngân của từng dự án để đề xuất việc điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án chuyển tiếp, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về thời hạn nghiệm thu khối lượng và làm thủ tục thanh toán với KBNN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư