Đơn thư này cũng được gửi tới Cục Cảnh sát kinh tế (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an).
Prosimex tiền thân là Công ty Sản xuất gia công hàng xuất khẩu Prosimex được thành lập từ năm 1989. Năm 2006, Công ty chuyển đổi thành CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex - Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 56,6%. Từ sau cổ phần hóa đến nay, Công ty thường xuyên thua lỗ, tồn tại nhiều công nợ.
Năm 2008, ông Trần Quốc Phương được bầu làm Tổng giám đốc điều hành Công ty. Theo đơn thư của nhóm cổ đông trên, Ban giám đốc Công ty đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, thực hiện nhiều hành vi trái quy định trong quản lý kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty.
Đơn thư phản ánh, từ khi cổ phần hóa năm 2008 đến nay, Ban giám đốc không ban hành quy trình, quy chế kinh doanh, không cho phòng kinh doanh được thực hiện bất kỳ hợp đồng kinh doanh nào. Ban giám đốc sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng của Công ty (khoảng 100 tỷ đồng) để tự tổ chức kinh doanh.
Tính riêng trong năm 2012 và 2013, công tác kinh doanh xuất nhập khẩu của Ban giám đốc để lại khoản công nợ không thu hồi được là 5.700.274 USD (tương đương 120 tỷ đồng). Khoản công nợ này đến từ hợp đồng kinh tế với các đối tác như Công ty Xiamen Zhonggxinlong Import and Export, Công ty Hằng Nguyên, Công ty HHTMXK Xi Lai Phúc, Công ty HH Khoáng sản trung nghiệp cảng Phòng Thành, Công ty Gua Qido Li Trade. Từ năm 2012 đến nay, Ban giám đốc nhiều lần báo cáo ĐHCĐ, HĐQT về việc thu hồi công nợ nhưng không có tiến triển.
Theo nội dung đơn, để vay khoản nợ hơn 120 tỷ đồng, Ban giám đốc dùng tài sản Công ty để thế chấp ngân hàng. Khối tài sản gồm lô đất và văn phòng làm việc có diện tích 8.900m2 tại địa chỉ 45/35 Khương Hạ, Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội (vốn là trụ sở chính của Công ty); lô đất 15.000m2 tại đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng và 3 xe ô tô.
Cũng theo đơn thư của nhóm cổ đông, năm 2014, Ban lãnh đạo Công ty đã ký bán thanh lý khối tài sản trên với tổng số tiền thu về là 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng làm việc. Tuy nhiên, tại các cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT, Ban lãnh đạo không đề cập việc bán thanh lý, chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để bán.
Mặt khác, công văn số 8319/UBND-XDGT ngày 23/11/2015 của UBND TP. Hà Nội cho thấy, lô đất 8.900m2 đã được bán cho CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (VIDEC). Trên website chính thức của VIDEC cũng thể hiện Công ty được UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/UBND-KH&ĐT về việc chỉ định nhà thầu thực hiện Dự án Riverside tại địa chỉ lô đất trên.
Nhóm cổ đông cho rằng, việc Ban lãnh đạo Công ty tự ý bán tài sản của Công ty khi không được cổ đông chấp thuận là vi phạm quyền lợi của cổ đông.
Được biết, Công ty Prosimex có vốn điều lệ 17 tỷ đồng. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Công ty là -14,7 tỷ đồng.
Báo cáo của HĐQT lý giải kết quả kinh doanh thua lỗ xuất phát từ những khó khăn nội tại của Công ty chưa được khắc phục, như năng lực quản trị điều hành lạc hậu, thiếu năng động; hiệu quả cho thuê nhà xưởng thấp, liên doanh đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm tiến độ...
Cổ đông phản ánh, từ tháng 9/2015, họ đã có đơn đề nghị tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm được giải trình về việc thu hồi công nợ và thất thoát vốn của Công ty, song đại hội không được tổ chức. Nhiều câu hỏi được cổ đông đặt ra nhưng chưa được giải đáp: Việc thất thoát vốn đã thu hồi cụ thể đến đâu? Việc Công ty bán trụ sở làm việc để lấy tiền trả nợ ngân hàng có đúng không? Quyền lợi của cổ đông được hưởng từ số tiền bán tài sản như thế nào?...
Hiện tại cơ quan chức năng đang xem xét đơn đề nghị của cổ đông.