Phối hợp công tư đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đúng lợi thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần mạnh dạn với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, phát huy tổng thể nguồn lực công - tư nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm tiềm lực. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng đầu tiên trên cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng là Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt cho thấy, ĐBSCL luôn được Chính phủ quan tâm, dành nhiều ưu tiên phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước; có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước; đồng thời, khu vực này có vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.

ĐBSCL hiện đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).

Đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ quan tâm. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, 77.000 km kênh cấp II và cấp III; đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… đã được đồng bộ.

Tuy nhiên, thực tế, những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm khoảng 17 - 20% cả nước, nhưng Vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, hạ tầng khu vực chưa đồng bộ, đặc biệt, chưa có tuyến cao tốc thông suốt kết nối vùng với TP.HCM, Đông Nam Bộ dẫn tới hạn chế cạnh tranh cho đầu ra các sản phẩm chủ lực của vùng.

Để ĐBSCL phát huy thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý quy hoạch phải thực hiện 4 tốt. Theo đó, quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt. “Điển hình như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đang làm tốt việc thu hút tư nhân vào các dự án năng lượng sạch, điện gió đúng quy hoạch. Nếu đi đúng hướng, ĐBSCL hoàn toàn có thể xuất khẩu điện năng lượng trong thời gian tới”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.

Trong khi đó, nhằm gỡ nút thắt về hạ tầng, Chính phủ ưu tiên tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng xã hội hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh Vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió… Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư. Thủ tướng chỉ đạo, “ĐBSCL cần làm tốt hơn việc thu hút tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng, logictics, tăng lợi thế cạnh tranh và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Chuyên đề