Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Stanislaw Karczewski. Ảnh: VGP |
Chủ tịch Thượng viện Ba Lan nhất trí với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên EU, trong đó có Ba Lan với Việt Nam; khẳng định ủng hộ Việt Nam sớm ký Hiệp định EVFTA trong năm 2018 và phê chuẩn Hiệp định này vào đầu năm 2019.
Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Stanislaw Karczewski cảm ơn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhận lời đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo hợp tác kinh tế giữa Việt Nam- Ba Lan lần đầu tiên được tổ chức tại Thượng viện Ba Lan.
Chủ tịch Thượng viện Ba Lan cũng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương và nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ba Lan tháng 11/2017, đặc biệt nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp gữa hai nước hơn nửa thế kỷ qua.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chia sẻ ý nghĩa to lớn nhân Ba Lan kỷ niệm 100 năm Ngày độc lập với sự tương đồng giữa hai nước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. Phó Thủ tướng cảm ơn Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam nhiều sinh viên và lao động kỹ thuật lành nghề trước đây và hiện có nhiều người đã và đang giữ những cương vị khác nhau trong xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống hữu nghị với bạn bè các nước truyền thống trong đó có Ba Lan và chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Thượng viện Ba Lan thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Cảm ơn Chủ tịch và Thượng viện Ba Lan đã tổ chức Hội thảo kinh tế Việt Nam- Ba Lan tại Thượng viện, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của nhóm nghị sỹ hữu nghị tại Thượng viện Ba Lan đã thúc đẩy việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng và thiết thực này.
Đề cập đến lĩnh vực hợp tác đầu tư và thương mại, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Ba Lan tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp hai nước, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, trên cơ sở mối quan hệ và hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ba Lan tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu tại Ba Lan tương xứng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hội kiến Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Stanislaw Karczewski. Ảnh: VGP
Cho rằng quan hệ truyền thống là nền tảng tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác, thương mại và đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển phát triển mạnh mẽ, quy mô dân số vàng. Trong khi đó, Ba Lan cũng là nước có tộc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, đây chính là điều kiện để hai nước thúc đẩy hợp tác và cần tìm được các lĩnh vực có thể bổ sung cho nhau.
Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hội kiến Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống Ba Lan, bà Halina Szymańska. Ảnh: VGP
Trong cuộc trao đổi, bà Halina Szymańska cho biết Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda rất mong muốn được đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang sớm thăm Ba Lan. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình hoan nghênh việc lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc tiếp xúc song phương bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; đề nghị các cơ quan chức năng hai nước phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đạt được những bước tiến mới.
Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống Ba Lan cũng nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam trước đây cũng như sự quan tâm của lãnh đạo Ba Lan đối với hội thảo này, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Ba Lan đều nhất trí sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).