Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP |
Cuộc họp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hoá chất và công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì diễn ra sáng 1/6 tại Trụ sở Chính phủ.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, GTVT, Xây Dựng, Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn, đại diện các hiệp hội và các nhà sản xuất.
Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017, Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%, mức tăng trưởng cụ thể của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế như sau:
Khu vực nông nghiệp tăng trưởng 3,05%. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,91%. Trong đó, khu vực công nghiệp tăng trưởng 8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 11,5%; ngành xây dựng tăng trưởng 10,5%.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%. Trong đó, tăng trưởng về khách du lịch là 30%.
Theo Bộ Công Thương, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến sẽ ở mức khoảng 8% (đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12,0%.
“Phương án nêu trên đã được rà soát, tính toán khá kỹ lưỡng từng ngành, từng nhóm sản phẩm và xác định ở ngưỡng cao, nhiều sản phẩm ở mức phấn đấu”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Đánh giá khả năng tăng trưởng của từng lĩnh vực công nghiệp, ngành dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m3 khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP).
Về khai thác than, khả năng khai thác thêm than là khó khăn, do phụ thuộc vào thị trường.
Đối với các khoáng sản khác, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục khẩn trương rà soát, tổng hợp khối lượng quặng tồn kho của các DN tại các địa phương có quặng để các DN sớm thực hiện được các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho một số DN khai thác chế biến khoáng sản có giá trị như: Quặng titan, đá vôi trắng... để góp phần đóng góp tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng.
Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thông qua việc rà soát 24 mặt hàng/nhóm hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm cho thấy, có 12 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (tăng trên 8,0%); 3 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (từ 5-8,0%) và 9 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp, giảm.
Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%, cao hơn mức của Bộ KH&ĐT đưa ra là 11,5%.
Ảnh: VGP
Điều hành theo từng chỉ tiêu, từng sản phẩm cụ thể
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, các bộ, ngành, DN, hiệp hội đều đã rất trách nhiệm, nỗ lực ở mức cao để thực hiện nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực này thể hiện ở các kết quả cụ thể trong cân đối vĩ mô, củng cố khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong điều kiện rất khó khăn.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&ĐT, đặc biệt là của ngành thống kê, trong việc đưa ra được các kịch bản tăng trưởng, với mục tiêu cụ thể đến từng ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục tính toán chi tiết hơn nữa, đến từng sản phẩm chủ lực trong cơ cấu GDP.
“Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội, DN rà soát thật kỹ tình hình sản xuất và đề ra các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm cụ thể theo từng quý và cả năm, theo dõi sát việc triển khai thực hiện, từ đó chỉ rõ sản phẩm nào tăng trưởng không đạt, sản phẩm nào sẽ có thể bổ sung, cũng như kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
“Tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành cần có giải pháp trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị bảo đảm thực hiện có hiệu quả để tái cơ cấu hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí.
Bộ Công Thương chủ trì có các giải pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cũng như ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
“Cần tích cực mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam, coi trọng thị trường trong nước, đồng thời phải lấy thị trường khu vực và toàn cầu làm mục tiêu để cạnh tranh”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Các Bộ Công Thương, Tài chính tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các chỉ đạo và giải pháp kịp thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.
“Phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các DN cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần có các giải pháp đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh bởi đây là một nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Phó Thủ tướng, tuy thị trường bất động sản đang phát triển khá ổn định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Muốn vậy phải tăng cường vai trò kiểm soát, quản lý nhà nước, gắn phát triển bất động sản với quy hoạch, kế hoạch; với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; gắn với phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch nhưng phải cân đối được cung-cầu của nền kinh tế và của người dân.
Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than; ngành dầu khí bảo đảm khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch.
Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Đây là ngành sản xuất có tỷ lệ nội địa hoá cao (đạt gần 50%), sử dụng nhiều lao động, đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm báo cáo tại cuộc họp. - Ảnh: VGP
Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hoá, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thép, công nghiệp hoá chất, rượu bia, nước giải khát cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng cũng cần được ưu tiên hơn. Sớm tính toán chi tiết về thị trường, sản lượng, khả năng đóng góp cho tăng trưởng của sản phẩm bột nhôm. Bộ Công Thương sớm có quy định chi tiết về chế biến sâu đối với một số loại khoáng sản; khuyến khích DN trong nước ưu tiên sử dụng nguyên liệu đầu vào là các loại khoáng sản trong nước sản xuất được.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị cần có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư xây dựng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng biển…), các dự án điện; lọc hóa dầu,