Người dân làm thủ tục mua bán nhà đất tại phòng công chứng |
Cơ quan thuế ở TPHCM đã bắt đầu “gắt” hơn khi xem xét giá kê khai tính thuế chuyển nhượng bất động sản sau khi có chỉ đạo của Tổng Cục thuế. Và mới đây, một giao dịch mua bán căn hộ ở TPHCM đã bị cơ quan thuế “sờ gáy” và yêu cầu cơ quan công an điều tra về việc nghi có dấu hiệu trốn thuế.
Đây là một trong những biện pháp mà cơ quan thuế đưa ra nhằm xử lý tình trạng khai giá thấp để né thuế chuyển nhượng bất động sản.
Như đã đưa tin, Chi Cục thuế quận 10, TPHCM vừa có văn bản đề nghị Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận 10 điều tra về hành vi có dấu hiệu trốn thuế khi mua bán căn hộ chung cư giữa 2 cá nhân.
Cụ thể, hai cá nhân này đồng ý chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại tầng 29 Toà tháp Jasmine 1 Khu cao tầng thuộc dự án HaDo Centrosa Garden (số 200 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10). Đây là dự án do Công ty CP Hà Đô - 756 Sài Gòn (công ty con của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô) làm chủ đầu tư.
Giá trị căn hộ này được chủ đầu tư bán ra lúc đầu gần 4,9 tỉ đồng, khách mua đã thanh toán đến đợt 3 với tổng số tiền là 4,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó giá trị chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ nói trên giữa hai cá nhân được lập ngày 19.11.2019 chỉ có 1 tỉ đồng.
Chi Cục thuế quận 10 cho rằng, hợp đồng giao dịch này có dấu hiệu trốn thuế do hai bên đều khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá chủ đầu tư dự án bán ra năm 2017 và giá trị thực tế thời điểm hiện nay. Do đó, Chi Cục thuế chuyển hồ sơ, đề nghị Công an quận 10 tiến hành điều tra, làm rõ hành vi khai thấp giá trị chuyển nhượng để trốn thuế đối với hai bên tham gia chuyển nhượng.
Tìm hiểu thực tế từ các văn phòng công chứng, chúng tôi ghi nhận được ý kiến chia sẻ một thực tế đó là khi mua bán nhà đất, nhiều trường hợp các bên đã thỏa thuận ghi giá bán trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá trị thực tế rất nhiều nhằm giảm tiền thuế thu nhập cá nhân cho người bán. Đổi lại người mua được người bán giảm một ít tiền phải trả. Việc làm nêu trên được nhiều người trong giới bất động sản xem là thỏa thuận để đôi bên cùng có lợi.
Anh P.Q. Việt, một người hành nghề công chứng viên tại khu vực quận Tân Phú cho biết có thể hai bên sẽ làm hai hợp đồng để bản ra công chứng thì ghi giá ảo, còn bản để thực hiện với nhau thì ghi giá thật. Hoặc họ chỉ làm một hợp đồng đi công chứng ghi giá một đằng và đồng thời viết giấy tay giao nhận tiền ghi giá một nẻo.
Về phía các công chứng viên chỉ có thể tư vấn cho họ về hậu quả có thể phát sinh khi ghi giá như thế chứ không bắt buộc họ ghi theo giá nào vì giá là do họ tự quyết định sao cho thỏa thuận của hai bên không trái pháp luật và đạo đức xã hội, còn công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ.
Theo Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TPHCM - tình trạng khai hai giá khi chuyển nhượng bất động sản lâu nay khá phổ biến, rất ít giao dịch khai đúng, khai đủ. Thông thường người bán chỉ khai giá khoảng 30% hoặc 50% giá trị thật. Đặc biệt, với các giao dịch giá trị lớn của cá nhân thì tình trạng lách thuế càng nhiều.
Trên thực tế tổ chức hành nghề công chứng không có lý do từ chối công chứng hợp đồng giao dịch của khách vì Luật Dân sự cũng có quy định cho phép người dân được tự thỏa thuận giá, trừ khi trường hợp này nhằm trốn thuế nhưng cơ quan chức năng rất khó chứng minh được giao dịch trên thực tế như thế nào vì người dân có thể bán lỗ nếu họ “kẹt” tiền.