Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều mục tiêu và nhiệm vụ nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu...
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Chương trình, trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 20 - 30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Đến năm 2030, hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy, chế biến thủy hải sản và một số ngành sản xuất khác; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.

90% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình và các văn bản chính sách, pháp luật tại địa phương; 70% tỉnh, thành phố có đơn vị phụ trách, chủ trì thực hiện Chương trình.

Để thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động ưu tiên của Chương trình; xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình; xây dựng và hoàn thiện các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch hành động và cụ thể hóa nhiệm vụ của Chương trình để lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được phân công; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả về Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về sản xuất và tiêu dùng bền vững được giao tại Chương trình.

Chuyên đề