Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) hiện là quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhận quyết định phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ này từ Trưởng Ban tổ chức Trung ương |
Chiều 11/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 27, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, bắt đầu từ chiều 22/10, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông với ông Trương Minh Tuấn.
Sau đó, ngày 23/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để phê chuẩn người kế nhiệm ông Trương Minh Tuấn và kết quả phê chuẩn được công bố vào sáng hôm sau.
Vì nhân sự Bộ trưởng mới không phải đại biểu Quốc hội và có khi đại biểu chưa biết nên theo Chủ tịch Quốc hội thì cần bố trí thời gian để Bộ trưởng phát biểu trong vài phút ra mắt Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp thứ sáu sẽ khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào 20/11/2018.
Ông Trương Minh Tuấn thực tế đã nhận quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông từ Chủ tịch nước Trần Đại Quang cuối tháng 7 vừa qua do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16/7/2018.
Trước đó, Bộ Chính trị căn cứ đề nghị của UB Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021 do những sai phạm trong việc Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định về việc thi hành về mặt chính quyền kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn.
Song song với việc thi hành kỷ luật vị tư lệnh ngành Thông tin – Truyền thông, cuối tháng 7, Bộ Chính trị cũng có quyết định giao quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan, dự kiến có một số nội dung sẽ chưa được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Đó là dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (do cơ quan trình không bảo đảm tiến độ chuẩn bị nên phải rút khỏi phiên họp tháng 9/2018 của UB Thường vụ Quốc hội); Báo cáo kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội (định kỳ 3 năm báo cáo Quốc hội) gửi đại biểu tự nghiên cứu (do nội dung này được lồng ghép trong Báo cáo kết quả kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Bảo hiểm xã hội và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tạm thời chưa được trình Quốc hội tại kỳ họp này, để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện. Ngoài ra, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được dành thời gian thích đáng (thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày) để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Một số nội dung được bổ sung, bao gồm đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Tình hình thực hiện chính sách dân tộc năm 2018; việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; các dự án trọng điểm quốc gia: Dự án Thủy điện Sơn La; Dự án Thủy điện Lai Châu; Dự án Thủy điện Sông Bung 4 và Thượng Kon Tum; Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; Dự án khai thác nâng cấp dầu nặng Junin2; Dự án Nhennhekky; Dự án khai thác phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu).
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Đề nghị thực hiện nghiêm kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2018: Các cơ quan hữu quan nếu đề nghị bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 6 cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ tài liệu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất tại phiên họp tháng 9/2018 để bảo đảm thời gian gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng quy định”. Như vậy, sẽ không bổ sung các nội dung chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 này.
Đáng lưu ý, về Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến 2: Bến Thành - Tham Lương), tại phiên họp tháng 7/2018, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và đề nghị Chính phủ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Ban cán sự Đảng Chính phủ vẫn chưa báo cáo Bộ Chính trị nên đề nghị chưa bổ sung nội dung này trong dự kiến chương trình kỳ họp.