Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ngày 17/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 13 năm tù đối với bị cáo Phùng Hữu Trường (sinh năm 1985, trú ở phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, Khoản 4, Điểm a – Bộ luật Hình sự.
Ngoài án phạt tù, Tòa tuyên buộc bị cáo Trường phải chịu trách nhiệm bồi thường 3 tỷ đồng cho 18 bị hại.
Phùng Hữu Trường vốn là nhân viên của một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội và không có chức năng tuyển dụng nhân sự. Do bị nợ nần nhiều, Trường đã nghĩ ra cách lừa những người có nhu cầu tìm việc làm ở ngân hàng để chiếm đoạt tiền của họ, lấy tiền trả nợ và ăn tiêu.
Khi trao đổi với các bị hại, Trường bịa chuyện y có quan hệ thân thiết với lãnh đạo cao cấp của ngân hàng mà Trường đang làm việc, nên có thể sắp xếp công việc hợp lý cho những ai có nhu cầu vào làm việc tại tổ chức tín dụng này. Đổi lại, mỗi trường hợp xin việc vào ngân hàng sẽ phải đưa cho Trường khoản tiền chi phí từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng, tùy từng vị trí.
Từ tháng 8/2014 đến tháng 7/2016, Trường đã trực tiếp hoặc thông qua người quen nhận tiền của 18 người có nhu cầu xin cho con, em vào ngân hàng làm việc với tổng số tiền lên đến 3,85 tỷ đồng.
Nhằm tạo lòng tin cho các bị hại, Trường đã làm giả các phiếu như: “Kết quả thi trắc nghiệm”, “xác nhận phỏng vấn”… của ngân hàng để đưa cho họ ký sau đó thu lại và nói với họ: Việc ký vào các giấy tờ đó chỉ là thủ tục để đưa vào hồ sơ tuyển dụng, còn họ không cần đến ngân hàng để dự thi và phỏng vấn.
Sau khi nhận tiền và hồ sơ của các bị hại, Trường hẹn khoảng 3-4 tháng sau sẽ được đi làm. Đến hẹn không thấy được đi làm, các bị hại yêu cầu Trường trả tiền, nếu không trả sẽ tố cáo Trường đến cơ quan công an. Ngày 2/12/2016, Trường đến Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định toàn bộ giấy biên nhận tiền mà các bị hại giao nộp đều là do Trường viết và ký ra. Các Quyết định tuyển dụng vào làm việc tại ngân hàng đều là do Trường tự làm ra, không phải do Ngân hàng ban hành.
Tiến hành điều tra đối với việc làm giả tài liệu theo lời khai của Phùng Hữu Trường, cơ quan công an xác định: Trường tự làm giả các tài liệu: “Kết quả thi trắc nghiệm”, “xác nhận phỏng vấn”, “Quyết định tuyển nhân sự”… của ngân hàng.
Sau khi đưa cho các bị hại xem, ký nhận, Trường đã thu lại và tiêu hủy luôn, nên cơ quan điều tra không thu giữ được các tài liệu gốc do Trường làm giả để giám định. Vì không đủ căn cứ để xử lý Trường về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Quá trình giải quyết vụ án, người thân của Trường đã thay bị cáo tự nguyện khắc phục một phần hậu quả cho các bị hại.