Phát triển kinh tế ban đêm: Tận dụng tối đa cơ hội cho tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt là một bước tiến lớn trong đổi mới tư duy về hoạt động này.
Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ
ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Hoàng Triều
Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Hoàng Triều

Phát triển KTBĐ được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Động lực tăng trưởng kinh tế mới

KTBĐ đang dần được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Phát triển KTBĐ cũng là xu hướng phát triển chung của quốc tế nhằm tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển KTBĐ. Tại Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ KTBĐ đạt 66 tỷ bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm trong giai đoạn 2002 - 2012. Tại Sydney (Australia), KTBĐ tạo ra khoảng 10% - 16% tổng số việc làm ở trung tâm Thành phố. Còn tại New York (Mỹ), nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ buổi tối đạt hơn 19 tỷ USD, bằng 43% tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch, nghệ thuật và quầy bar, tạo ra khoảng 300.000 việc làm.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, có nhiều tiềm năng phát triển KTBĐ khi hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch quốc tế; quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng; lực lượng dân số trẻ dồi dào và sự gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu. Trên cả nước đã có các khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm, quán bar và một số hoạt động nghệ thuật, giải trí đường phố. Tuy nhiên, hoạt động KTBĐ mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát, riêng lẻ, manh mún tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn nên chưa được ghi nhận như một mô hình kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển KTBĐ có thể đối mặt với thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, áp lực hạ tầng, tệ nạn xã hội, rác thải…

Tại một tọa đàm về vấn đề này cách đây không lâu, ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World thuộc Tập đoàn Sun Group cho rằng, nếu chúng ta không “thâm canh”, không tạo ra nhiều dịch vụ về đêm thì sẽ không thúc đẩy được chi tiêu của du khách. Theo ông Nam, nghiên cứu về hoạt động này cho thấy, khách du lịch thường chi tiêu 30% vào ban ngày, 70% vào ban đêm. Do đó, chúng ta phải để ý đến câu chuyện “thâm canh”.

“Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển KTBĐ được xem là động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Nhiều nhóm giải pháp phát triển kinh tế ban đêm

Thời gian qua, hoạt động KTBĐ mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát, manh mún tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn nên chưa được ghi nhận như một mô hình kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Với quan điểm chủ động phát triển KTBĐ nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với an ninh chính trị và trật tự xã hội, Đề án trên đưa ra nhiều nhóm giải pháp.

Trước tiên là nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển KTBĐ, trong đó có nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò của KTBĐ, đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của KTBĐ, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước với tư duy mở hơn, nhìn nhận và đánh giá đa chiều về vai trò, cơ hội và rủi ro của KTBĐ.

“Phát triển KTBĐ nhất thiết phải vượt qua rào cản tư duy “không quản được thì cấm” trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn nhận đầy đủ, song không e ngại quá mức về rủi ro bất ổn an ninh trật tự mà bỏ qua các cơ hội phát triển KTBĐ”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Quyết định phê duyệt Đề án.

Mặt khác, cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTBĐ và kiểm soát rủi ro thông qua việc rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến KTBĐ. Cụ thể là tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển KTBĐ, thời gian hoạt động… Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý KTBĐ trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý phát triển KTBĐ…

Đề án cho phép triển khai thí điểm kéo dài thời gian hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở các tỉnh, thành phố đông khách du lịch, bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đánh giá hiệu quả và công tác quản lý hoạt động KTBĐ ở những địa phương này, từ đó xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động KTBĐ để nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác…

Chuyên đề