Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo công khai Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trụ sở UBND tỉnh Đắk Nông.
Buông lỏng quản lý, diện tích rừng bị giảm trên 8.520 ha
Kết luận cho biết, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 113.346 ha đất, rừng của các nông, lâm trường giao cho các Ban Quản lý rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia, các địa phương và một số đơn vị, tổ chức, hộ gia đình cá nhân quản lý.
Trong đó, UBND tỉnh đã giao trên 44.520 ha đất cho 52 công ty, doanh nghiệp tư nhân thuê để thực hiện 54 dự án nông, lâm nghiệm theo hình thức công ty, doanh nghiệp thoả thuận địa điểm với các nông lâm trường để lấy đất, sau đó UBND tỉnh đồng thời ra quyết định thu hồi đất của nông lâm trường với lý do nông lâm trường tự nguyện trả lại đất hoặc lý do để cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất thực hiện dự án không đúng quy định.
Việc quản lý, sử dụng đất, rừng sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới tại các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều diện tích rừng bị huỷ hoại, đất rừng bị lấn chiếm. Công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được kịp thời, để rừng tự nhiên bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm, một số đơn vị để mất rừng với diện tích lớn. Cụ thể tại 7/14 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp từ năm 2004 đến tháng 1/2018 diện tích rừng bị giảm trên 8520 ha.
Đến tháng 5/2018, một số công ty nông nghiệp, Ban quản lý rừng đang quản lý, sử dụng đã buông lỏng quản lý để diện tích rừng bị xâm chiếm lớn.
Đối với diện tích đất đã thu hồi giao địa phương quản lý, sử dụng sau khi giải thể, sắp xếp lại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thu hồi đất của các doanh nghiệp, vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông không lập phương án, kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, phần lớn diện tích đất này đã bị các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, sử dụng.
“Để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Giám đốc các Ban quản lý rừng, Giám đốc các Công ty, doanh nghiệp được giao, cho thuê đất”- Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trên 6.735 ha rừng bị phá
Thanh tra Chính phủ phát hiện, UBND tỉnh Đắk Nông cho 43 công ty, doanh nghiệp thuê đất để thực hiện 44 dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp, với tổng diện tích trên 33.937 ha, trong đó 448 ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là không đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển bền vững rừng và Quyết định 2024/2013 của UBND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng.
Việc UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án chưa được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất là không đúng với Luật Đầu tư 2014 và Nghị định định 43/2014 của Chính phủ. Cho 2 doanh nghiệp thuê đất nhưng chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án là không đúng quy định.
Một số doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất đã để xảy ra vi phạm, để bị lấn chiếm đất, rừng, rừng bị phá với tỷ lệ lớn nhưng đến thời điểm thanh tra, các vi phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật.
Một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất để thực hiện dự án không chấp hành nghĩa vụ tài chính, còn nợ tiền, nhưng chưa có biện pháp kiên quyết thu hồi, chưa xử lý chậm nộp theo quy định. Điển hình là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hoà 37,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn 1,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đông Bắc 2,65 tỷ đồng; Công ty TNHH Hào Quang 1,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần chế biến Nông sản dược liệu sạch 3,2 tỷ đồng…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có sai phạm, sử dụng đất không hiệu quả, UBND tỉnh đã thu hồi, nhưng việc xử lý nghĩa vụ tài chính chưa dứt điểm.
Theo kết luận thanh tra, tình hình khiếu kiện tranh chấp đất giữa người dân với một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn trong thời gian qua diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh thành điểm nóng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nguyên nhân chính là do khi thu hồi đất của các nông lâm trường để cho các công ty, doanh nghiệp thuê đất, các cơ quan chức năng của tỉnh thiếu kiểm tra, rà soát các đối tượng đang sử dụng đất nằm trong diện tích đất thu hồi để có phương án giải quyết hợp lý.
Việc quản lý của các cơ quan nhà nước bị buông lỏng, các công ty, doanh nghiệp sau khi được giao, thuê đất nông lâm nghiệp để diện tích rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn, biện pháp ngăn chặn không hiệu quả, diện tích rừng tự nhiên còn lại, các công ty, doanh nghiệp không thực hiện việc lập hồ sơ thuê rừng theo quy định.
Tính đến tháng 5/2018, diện tích rừng do 43 công ty, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng bị phá trên 6.735 ha, diện tích đất bị các hộ dân lấn chiếm trên 6.500 ha, chiếm 19,1% tổng diện tích giao cho các đơn vị, phần lớn diện tích lấn chiếm người dân đã trồng cây công nghiệp dài ngày.
“Trách nhiệm thuộc lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các huyện và Giám đốc các công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất.