Phân bổ hạn mức tín dụng: “Van an toàn” và mối lo “xin cho”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một nhiệm vụ của ngành ngân hàng, song đến nay chưa thể thực hiện được. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn hoạt động cùng với việc phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng là một trong những cách thức để kiểm soát dòng vốn ngân hàng vào nền kinh tế nhằm hạn chế rủi ro hệ thống và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nhã Chi
Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nhã Chi

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương nêu câu hỏi với Thống đốc NHNN về lộ trình thực hiện yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) theo yêu cầu tại Nghị quyết 62/2022/QH15 của Kỳ họp thứ 3. Cùng nội dung này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề: “Trong điều kiện hiện tại, khi chưa thể bỏ được hạn mức tín dụng thì có nguy cơ tạo cơ chế xin - cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không?”

Trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho biết, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những giải pháp điều hành của NHNN kết hợp với các công cụ chính sách khác. Cụ thể, NHNN đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm ngay từ những tháng đầu năm. Tiếp đó, NHNN sẽ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng dựa trên yếu tố căn bản nhất là xếp hạng các TCTD theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN về quy định về xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 62/2022/QH15, NHNN đã tổ chức tọa đàm với các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, tổ chức quốc tế về nội dung này. Các ý kiến thống nhất việc Việt Nam chưa thể bỏ chỉ tiêu tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ. Bởi vì, hiện nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng, tỷ lệ tín dụng/GDP liên tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng, cuối năm 2022 là 125,34%; cuối năm 2021 là 124,35%. Nếu bỏ chỉ tiêu này có thể đẩy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế hiện nay, lên mức cao hơn nữa. Hơn nữa, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung, dài hạn của doanh nghiệp, khả năng bỏ chỉ tiêu này sẽ khả thi hơn. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện chặt chẽ theo quy tắc chung tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN với một số tiêu chí cụ thể như: ngân hàng có mặt bằng lãi suất giảm, tích cực tham gia tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thì được cộng điểm, ngược lại, các ngân hàng có tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ bị trừ điểm và giảm mức phân bổ chỉ tiêu tín dụng” bà Hồng nói.

Việc bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ khả thi hơn khi các phân khúc khác của thị trường tài chính có thể đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê

Việc bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ khả thi hơn khi các phân khúc khác của thị trường tài chính có thể đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Ảnh: Song Lê

Về nội dung trên, tại báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết, trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao. Giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm, cá biệt năm 2007 có mức tăng trưởng là 51,54%; tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh, tăng từ mức 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010. Điều này kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều TCTD có nguy cơ mất thanh khoản, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số. Trước bối cảnh đó, từ năm 2011 đến nay, kết hợp với việc kiểm tra, giám sát hệ thống các TCTD qua các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành.

Theo NHNN, với điều kiện đặc thù của Việt Nam, nếu TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua hệ thống các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng thì hệ thống các TCTD có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011, không chỉ khiến nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng mà còn gây rủi ro, bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế. Do đó, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, bảo đảm các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển thị trường vốn, đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng của ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, điều hành tín dụng bằng việc phân bổ hạn mức cho từng ngân hàng và định hướng tổng mức tăng trưởng cả năm là giải pháp hành chính và gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn phải duy trì công cụ này để kiểm soát dòng vốn tín dụng đổ vào nền kinh tế nhằm cân đối với cung cầu vốn, tỷ giá, lãi suất. “Trong vài năm tới, khi các kênh huy động vốn khác phát huy hiệu quả, hệ thống ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn thì có thể kiểm soát tín dụng bằng những công cụ khác có tính thị trường hơn như hệ số an toàn vốn, trích lập dự phòng rủi ro”, ông Lực nói.

Chuyên đề