Ảnh minh họa: Internet |
"Chúng ta là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Khi nhiều đồng tiền trên thế giới giảm giá so với USD thì tỷ giá USD/VND có biến động nhưng vẫn trong biên độ ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ… Đây là một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ", GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết.
Mặt khác, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, khi cả thế giới chịu tình trạng lạm phát cao, lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong năm 2022 và những tháng gần đây, trong khi thế giới dự báo lạm phát có xu hướng chậm lại, các ngân hàng lớn của các nước hầu như chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp cho doanh nghiệp có nguồn lực.
"Đây là hành động quyết liệt trong bối cảnh hiện nay. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ thị các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất. Động thái rất cương quyết khi lần thứ ba Thống đốc chỉ thị các ngân hàng thương mại không giảm thì có thể xem xét tới room tín dụng sau này…", ông Cường nói.
Cùng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết, giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao phản ứng chính sách Việt Nam. Đặc biệt, về chính sách tiền tệ, Việt Nam đồng là đồng tiền giữ giá trị tốt nhất trong khi nhiều đồng tiền khác đều mất giá so với USD. "Điểm đáng mừng là thặng dư vãng lai tốt, thu hút FDI tốt, hoạt động xuất khẩu khá tốt...", ông Khương nhấn mạnh.
Trong khi đó, xem xét từ góc độ rủi ro của dòng tiền, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng: "Các cơ quan điều hành chính sách cũng cần hết sức thận trọng vì nếu bối cảnh thế giới diễn ra xấu, chúng ta cũng cần có năng lực để đối phó. Theo đó, phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và phải kiểm soát được dòng tiền. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn và có nhu cầu vốn cao, nếu không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính".