Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao đổi với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bên lề hội nghị. |
Sáng 26/12, tại Hội nghị báo chí toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đang yêu cầu Cục báo chí phối hợp Sở Thông tin Truyền thông TP HCM kiểm tra trường hợp một cơ quan báo chí cấp thẻ hoạt động cho cả chủ vựa phế liệu, chủ quán nhậu "để làm ăn".
"Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉnh sửa quy định, giao quyền cho địa phương xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí trên địa bàn mình quản lý", ông Tuấn nói.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Võ Văn Long cho hay có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn.
"Có văn phòng đưa nhiều thông tin không chuẩn mực, không chính xác, nhạy cảm, không phù hợp với lợi ích của đất nước và của dân tộc", ông Long nói.
Theo ông Long, có hiện tượng phóng viên thường trú vi phạm do cơ quan chủ quản buông lỏng, thậm chí giao khoán về tài chính dẫn đến những sự việc không thể lường trước. Có nhiều sai phạm dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn lặp đi lặp lại.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đề cập đến vấn nạn fake news - tin giả trong báo chí, và cho rằng chưa bao giờ "nóng" như hiện nay.
"Tấm hình một quan chức gắn với dòng phát ngôn được lan truyền rất nhiều trên Fakebook đã nhận rất nhiều gạch đá của dư luận, trong khi nhân vật không hề nói vậy", ông Minh dẫn chứng và nói rằng tin giả đã có từ lâu, như một dịch bệnh khủng khiếp, nhờ mạng xã hội lan truyền nhanh hơn nhiều lần.
Theo ông Minh, khâu kiểm chứng thông tin ở nhiều cơ quan báo chí đang lỏng lẻo, thậm chí có nơi đăng tải trước, chỉnh sửa sau.
Trước đó, đánh giá về hoạt động báo chí năm qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng đã phản ánh toàn diện và kịp thời các sự kiện và sinh hoạt chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước.
"Báo chí đã thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng lãng phí, tiêu cực, quan liêu", ông Bảo nói.
Báo chí cũng được đánh giá đã tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, hoạt động báo chí năm qua cũng còn hạn chế khi nhiều báo, tạp chí chủ yếu khai thác những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân.
Tính định hướng, tính chính luận trên báo chí được cho là còn chưa được coi trọng. Thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích đất nước của nhân dân, không phù hợp định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tổng kết tình hình hoạt động báo chí trong năm qua.
Tuy nhiên, ông Thưởng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần khắc phục một số khuyết điểm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín như: xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, nhất là trong lĩnh vực báo điện tử; khuynh hướng giật gân, câu khách, dễ dãi trong trích nguồn...