Ông Trần Bắc Hà. |
Chiều 9/1, chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm cho biết, HĐXX đã nhận được đơn xin vắng mặt của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) vì đang điều trị ung thư gan.
Ngoài ra, ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (hai cựu phó tổng giám đốc BIDV) và một số người khác cũng xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Họ đồng ý sử dụng lời khai của mình tại cơ quan điều tra để sử dụng tại phiên tòa.
"Sau kiến nghị của VKS, đích thân tôi đã ký giấy triệu tập những người này nhưng tất cả đều có đơn xin vắng mặt. Tuy nhiên, lời khai của họ rất quan trọng, sự có mặt của họ sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề cốt lõi của vụ án nên HĐXX không chấp nhận đơn xin vắng mặt trên", chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo.
Riêng bà Hứa Thị Phấn, HĐXX cho biết bà đang điều trị tại Bệnh viện quận 7, sức khỏe chỉ còn 7% - theo giám định của cơ quan y tế - nên đồng ý việc bà vắng mặt tại tòa.
Bà Phấn là người bán ngân hàng Đại Tín lại cho Phạm Công Danh, sau đó được đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng. Bà được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ông Trần Bắc Hà và hai cựu lãnh đạo của BIDV bị tòa triệu tập với hai tư cách "người có quyền nghĩa vụ liên quan", "người làm chứng" do đã cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
Theo điều tra, năm 2013, do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh đến hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng của VNCB (là các doanh nghiệp) sang BIDV vay vốn" kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để bảo đảm.
Được lãnh đạo BIDV chấp thuận, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ sơ gửi cho nhà băng này, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.
Ông Đoàn Ánh Sáng đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.
Ông Trần Lục Lang duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng giám đốc).
Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.
Lãnh đạo BIDV các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã giải ngân cho các công ty của ông Danh.
Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều lãnh đạo, nhân viên khác của BIDV được cơ quan điều tra xác định "có sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay" khi chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Tuy nhiên, sai phạm này không gây thiệt hại cho BIDV.
Ông Hà và hai phó tổng được cho là "không biết những công ty này của ông Danh"; việc cho vay cũng không gây thiệt hại cho BIDV nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Theo cáo buộc, trong giai đoạn tham gia tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… ông Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Do những công ty này không có hoạt động kinh doanh, ông cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB.
Trong thời gian điều hành VNCB, ông Danh và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng của nhà băng này. Vụ việc được đưa ra xét xử trong giai đoạn đầu của vụ án.
Năm ngoái ông bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù, buộc cùng người liên đới bồi thường số tiền thất thoát.