Ông Trầm Bê đề nghị giải tỏa kê biên hai căn nhà

Bị kê biên một số tài sản, cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đề nghị tòa giải tỏa 2 căn nhà "mười mấy tỷ" vì không phải của mình.
Ông Trầm Bê.
Ông Trầm Bê.

Ngày 18/1, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.

Ông Bê đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn nhà trên đường An Dương Vương (quận 6). Ông nói, tuy đây là nơi ông nhiều người trong gia đình sinh sống nhưng là tài sản của vợ chồng chị vợ. Theo lời khai của ông tại tòa những ngày trước, hai căn này "chỉ có giá khoảng mười mấy tỷ thôi".

Tòa hỏi con của bà Viên Tú Anh (chị vợ ông Bê). Anh này cho biết căn nhà do mẹ và người cha quá cố đứng tên, đề nghị HĐXX giải tỏa lệnh kê biên của cơ quan điều tra.

Theo HĐXX, việc này phải được xem xét một cách toàn diện. "Anh khẳng định đây là nhà cha mẹ anh, nhưng còn nhiều người trong gia đình sinh sống là các cô chú của anh, tòa yêu cầu những người này phải làm giấy ủy quyền cho anh để có toàn quyền xử lý".

Con bà Tú Anh khẳng định tài sản này không liên quan đến ông Bê, sẽ cung cấp giấy tờ cho tòa vào tuần sau.

Đối với căn nhà thứ hai bị kê biên ở quận Bình Tân, ông Bê cũng xin được giải tỏa vì đây là tài sản của cả hai vợ chồng. HĐXX yêu cầu phải có mặt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để tòa thẩm vấn và xem xét.

CB đòi thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng

Được xác định là bị hại trong vụ án, đại diện Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng – CB (kế thừa quyền nghĩa vụ của VNCB sau khi được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng) đã trình bày trước tòa trong phạm vi vụ án đang được đưa ra xét xử, Phạm Công Danh và 45 đồng phạm đã thực hiện hành vi sai phạm gây thiệt hại cho nhà băng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.

Đại diện CB yêu cầu HĐXX buộc ông Danh cùng đồng phạm và người liên quan đến vụ án nhưng không bị xử lý hình sự (bao gồm cả 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank) phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại theo mức độ sai phạm.

Trước yêu cầu này, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Ngân hàng Sacombank hỏi đại diện CB về căn cứ xác định thiệt hại trong vụ án. Đại diện CB cho rằng, theo quan điểm của ngân hàng này thì số tiền rút ra từ VNCB và bị thu hồi từ ba ngân hàng là hơn 6.126 tỷ đồng. Con số này, phía ngân hàng dựa trên "kết quả điều tra và truy tố của cơ quan điều tra".

"Tức con số thiệt hại này không phải do CB xác định. Tại sao đơn yêu cầu của CB lại không liệt kê từng hạng mục để đi đến con số này?", luật sư chất vấn nhưng đại diện CB cho rằng "đây không phải là vụ tranh chấp dân sự".

Trả lời luật sư về việc đến ngày 4/1 mới gửi văn bản yêu cầu đòi bồi thường, đại diện CB cho biết nhà băng phải đợi xác định tư cách tham gia vụ án thế nào mới đưa ra yêu cầu theo tư cách đó.

Về căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, đại diện CB cho biết, dựa vào hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể.

Sau 10 ngày làm việc, phiên xét xử ông Danh và đồng phạm đã kết thúc phần thẩm vấn. Phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận và phát biểu quan điểm luận tội của đại diện VKS vào sáng 22/1.

Ông Danh bị cáo buộc trong quá trình tái cơ cấu VNCB đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của ngân hàng VNCB, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn, để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trầm Bê bị cho là đồng phạm giúp sức cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank.

Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc phải trả lại số tiền thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

Chuyên đề