Ông Đinh La Thăng tại tòa sáng 8/1. Ảnh: TTXVN. |
Phiên xử vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong sáng 9/1 bắt đầu xét hỏi bị can chính là ông Đinh La Thăng. Ông Thăng được đưa từ phòng cách ly vào phòng xử.
Nói chậm, bình tĩnh khác với phong cách từ trước đến nay, ông trình bày làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN từ tháng 2/2006 đến 2007 với nhiệm vụ chỉ đạo các thành viên phê duyệt đường lối chiến lược; thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của HĐQT; thay mặt Hội đồng thành viên ký giấy tờ...
Theo ông Thăng, Chính phủ đã cho phép PVN đầu tư phát triển dịch vụ, cho chỉ định đơn vị thành viên thực hiện các hạng mục của tập đoàn. PVN đã xây dựng các công ty con chuyên ngành, trong đó có PVC với mục tiêu phát triển thành công ty xây lắp mạnh của Tập đoàn.
Việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương trong chiến lược phát triển PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn đa ngành, "nâng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phát huy nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế...".
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: "Tháng 6/2010, bị cáo ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu. HĐTV có nghị quyết nào nữa phê duyệt việc này?". Ông Thăng trả lời: "Chủ trương tập đoàn là đồng ý PVC là tổng thầu. HĐTV có nghị quyết thành lập liên doanh tổng thầu".
Ông Thăng giải thích, Chính phủ chỉ đạo khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sớm nhưng bị cáo thấy thực hiện liên doanh tổng thầu sẽ mất thời gian, còn tổng thầu sẽ thực hiện nhanh hơn. Trong hoàn cảnh cấp bách đó ông "đã xin Chính phủ cho PVC là tổng thầu".
"Trước khi chỉ định thầu có kiểm tra năng lực tài chính của PVC không?", chủ tọa chất vấn. Ông Thăng nói: "Năm 2010, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC, thu được gấp 2,5 lần. Về năng lực thầu, PVC đã tham gia nhiều dự án như Điện Cà Mau 1, 2, Thái Bình 1…". Tòa hỏi có nắm được năng lực tài chính của PVC thời điểm năm 2010 không, ông Thăng cho hay theo báo cáo thì PVC "đủ".
Chuyển sang việc ký hợp đồng số 33 bị cơ quan công tố xác định có sai phạm, ông Thăng khai không trực tiếp chỉ đạo ký. "Bởi lẽ, ngày 24/2/2011, bị cáo mới phê duyệt thiết kế hiệu chỉnh, nghĩa là lúc đó bị cáo nhận thức được hợp đồng 33 còn thiếu các thủ tục", ông Thăng giải thích.
Thẩm phán Toàn ngắt lời: "Vậy sao chỉ sau 4 ngày đã khởi công xây dựng được?". Cám ơn câu hỏi, ông Thăng giải thích cùng một lúc triển khai nhiều dự án nên PVN luôn chỉ đạo các công ty thực hiện đồng bộ công việc, không đợi việc này xong mới làm việc kia.
Sau câu trả lời này, chủ tọa thông báo dừng phiên xử để giải lao. Thẩm phán yêu cầu đưa ông Thăng về phòng cách ly.
Ông Đinh La Thăng nhận vi phạm quy trình vì nôn nóng, quyết liệt
Khi làm việc trở lại, tòa tiếp tục thẩm vấn ông Thăng. Trước câu hỏi về việc tạm ứng tiền cho PVC, ông Thăng cho rằng đó là việc của chủ đầu tư, không cần chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
"Có việc chỉ đạo ứng tiền không?", tòa hỏi, ông Thăng trả lời: "Không". Ông Thăng khẳng định: Khi chủ đầu tư ứng tiền cho nhà thầu thì đã yêu cầu rõ sử dụng tiền cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không được sử dụng sai mục đích. Ông Thăng sau đó nhận có chỉ đạo cho ứng 10%, bởi lúc đó chưa biết về hợp đồng 33.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) được gọi lên đối chất. Ông Quỳnh khai hợp đồng 33 có một số khiếm khuyết và ông chỉ báo cáo với cấp trên là Nguyễn Xuân Sơn. Việc chi tiền cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Sơn.
"Có khi nào bị cáo nhận được bút phê của ông Thăng về việc chi 1.000 tỷ không?", chủ tọa hỏi. Ông Quỳnh nói có nhận công văn với của ông Thực, Khánh, Sơn. Công văn ký ngày 30/5/2011.
Tòa tiếp tục cho bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) đối chất. "Việc PVC đề nghị Ban quản lý dự án tạm ứng, bị cáo Thăng có được báo cáo không?", tòa hỏi.
Ông Chương nhớ lại một buổi chiều bị ông Thăng gọi lên cùng nhiều bị cáo để trả lời về việc vì sao chưa tạm ứng tiền, không làm văn bản tạm ứng cho PVC. Ông Chương khi đó đã trả lời hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) là người tiếp theo đối chất. Ông khai hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện, tạm ứng; dù sau đó đổi sang hợp đồng 4194 nhưng chỉ đổi chủ thể nên bản chất vẫn là chưa đủ điều kiện. "Vì sao chưa đủ điều kiện tạm ứng mà bị cáo cùng bị cáo Đinh La Thăng lại có bút phê về việc tạm ứng?", thẩm phán hỏi. Ông Khánh phủ nhận có bút phê.
Thẩm phán Toàn ngay sau đó giơ công văn và đọc bút phê của ông Thăng với nội dung "chuyển anh Khánh - phó Tổng giám đốc xử lý, cho PVC tạm ứng 1.000 tỷ đồng".
Bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toạn trưởng PVC) lên đối chất tiếp theo. Trả lời về tình hình tài chính của PVC, bị cáo khai giữa năm 2011 dòng tiền đầu tư lớn hơn vốn điều lệ. PVC vẫn có lãi nhưng mất cân bằng.
Trước câu trả lời này, ông Thăng khi đối chất nói rằng "tôn trọng câu trả lời". Theo ông, kết quả sản xuất kinh doanh của PVC được kiểm toán công khai và doanh nghiệp vẫn có lãi. "Với doanh nghiệp, vốn và nguồn vốn cùng khó khăn trong một thời điểm đó là việc bình thường", ông nói.
Ông Thăng nói thêm khi ở cơ quan điều tra, cũng trước tòa đã nhận thấy do sức ép của tiến độ nên ông có lúc nóng vội, nôn nóng và quá quyết liệt, vì thế vi phạm quy trình, thủ tục.
Ông Thăng sau đó theo yêu cầu của thẩm phán đã lại bị đưa về phòng cách ly để tòa thẩm vấn các bị cáo khác.
PVC khó khăn tài chính vẫn được nhận dự án tỷ đô
Trước đó trong phần thẩm vấn sáng nay, bị cáo Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) khai tình hình tài chính của PVC khi nhận dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là rất khó khăn.
Sau ít phút bị thẩm vấn, ông Thuận và bị cáo Phạm Tiến Đạt bị đưa ra khỏi phòng xử, sang phòng cách ly. Âm thanh truyền từ phòng xử án tới phòng dành cho báo chí theo dõi qua màn hình tivi bập bõm, khó nghe.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa ngày 8/1. Ảnh: TTXVN.
Tiếng ông Thanh qua loa phát ra nhỏ. Ông khai tình hình tài chính năm 2011 của PVC qua kiểm toán vẫn có lãi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Mức vốn đầu tư cho các công ty con, thành viên khác vượt so với vốn điều lệ khoảng 2.500 tỷ đồng... PVC thuộc khối dịch vụ thi công xây lắp và là một trong năm mũi nhọn kinh doanh của PVN. PVC thời điểm này không đủ vốn, nợ vốn, vay vốn mất kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, PVC đã rất mừng khi được chỉ định thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dù biết năng lực còn chưa đủ. "Lãnh đạo Tập đoàn PVN, anh Thăng rất mong muốn dần dần nhà thầu trong nước có thể thay nhà thầu nước ngoài", bị cáo Thanh khai và cho hay trước đó PVC đã liên danh với Lilama xây dựng nhà máy điện đạm...
Để đẩy nhanh tiến độ Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã thuê chuyên gia nước ngoài. "Năng lực tài chính như vậy, lại thực hiện tái cơ cấu, theo bị cáo đó là thuận lợi hay khó khăn?", thẩm phán Toàn hỏi.
Bị cáo Thanh nói: "Khi PVN giao là có kế hoạch rõ ràng, thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Thời điểm năm 2009-2010, một số đơn vị thành viên đang làm ăn thua lỗ do đầu tư bất động sản".
Khi thẩm phán yêu cầu trình bày về hợp đồng 33, ông Thanh nhận trách nhiệm về mình, dù không đầy đủ nhưng vẫn chỉ đạo ký. "Sao biết thiếu mà vẫn triển khai?", thẩm phán hỏi. Ông Thanh đáp: "Bị cáo có sai sót khi không đọc kỹ".