Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Dù trong điều kiện chịu nhiều sức ép và thách thức, Chính phủ vẫn luôn coi ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu. Có duy trì được sự ổn định này thì mới có được niềm tin của người dân, doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế bền vững, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu quan điểm.
Hiện nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại Chính phủ vì cố đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% mà không kiên trì ổn định vĩ mô. Ông có thể chia sẻ điều gì cùng đại biểu Quốc hội?
Chính phủ đã xác định rõ, với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các giải pháp đề ra trên tinh thần có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được coi là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế
Nhưng có vẻ việc kiên trì ổn định vĩ mô đang gặp rất nhiều sức ép, thưa ông?
Đúng như vậy. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô các tháng cuối năm đang chịu nhiều sức ép và thách thức trong điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới chưa xuất hiện xu thế rõ ràng và đang thuận lợi trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ điều hành để nền kinh tế tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm, như tăng nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tận dụng cơ hội thương mại và giá cả thế giới đang phục hồi; chú trọng phát triển tiêu dùng trong nước, tạo thế ổn định và dự phòng ứng phó khi tình hình thế giới có thay đổi...
Tuy nhiên, dù trong điều kiện thế nào thì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được Chính phủ coi là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Có duy trì được sự ổn định này thì mới có được niềm tin của người dân, doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế bền vững.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra. Chính phủ nhìn nhận thế nào về nguy cơ này, thưa ông?
Lạm phát tăng chủ yếu do giá thuốc, giá dịch vụ y tế (tăng 17,6% so với cuối 2016), giá dịch vụ giáo dục (tăng 1,23%); giá nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,61%)...
Giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng,... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.
Về tiền tệ, tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định, hầu như không đổi trong quý 1. Việc điều chỉnh lãi suất của Fed trong tháng 3/2017 chưa ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất huy động và cho vay USD trong nước.
Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất đến mức 2,9% vào năm 2019, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, làm tăng nợ công của Chính phủ, kiều hối sẽ tiếp tục giảm,... ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.
Thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi đang có nguy cơ bùng phát; thời tiết, khí hậu vẫn nhiều khả năng ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản; giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thế giới có xu hướng tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước.
Chúng tôi đã phân tích kỹ và thấy rằng, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với hiệu quả trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017 và Chính phủ quyết tâm giữ mức lạm phát như theo yêu cầu của Quốc hội.
Một năm đã qua, Chính phủ đã dốc sức vì doanh nghiệp, nơi giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng. Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực này của Chính phủ?
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, đến nay Chính phủ đã sửa đổi 50 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính; kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước; đã xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp (đạt trên 77%)...
Kết quả là xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ 91/189 lên 82/190 quốc gia, vùng lãnh thổ). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3, tháng 4 đạt mức cao trong 22 tháng và cao nhất trong khu vực ASEAN.
Theo báo cáo Tổng quan môi trường kinh doanh ASEAN 2017 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), 36% doanh nghiệp được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (cao hơn mức 28% của Indonesia, 21% của Thái Lan, 19% của Malaysia, 19% của Philippines).
Còn theo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có 66% doanh nghiệp được khảo sát muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Có thể thấy, kết quả phát triển doanh nghiệp đã bắt đầu khởi sắc.