Đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 3.144 tỷ đồng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Novaland chỉ đạt 841 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Dự án này bất ngờ đổi chủ khi mới đây Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy thâu tóm 99% cổ phần tại Công ty Gia Đức (một công ty thành viên của Novaland, có góp vốn vào Dự án). Liệu có phải vì lợi nhuận sụt giảm mạnh mà Novaland quyết định bán “con”?
Nặng gánh lợi nhuận 6 tháng cuối năm
Với thương hiệu sẵn có cùng với kết quả kinh doanh khả quan liên tiếp trong 2 năm gần đây (lợi nhuận năm 2015 là 441 tỷ đồng và năm 2016 là 1.659 tỷ đồng), các dự án của Novaland vẫn có nhiều thế mạnh tại thị trường TP.HCM. Đến thời điểm này hầu hết các dự án đều bán hàng tốt dù phân khúc cao cấp công ty này kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại. Ngay cả tại Dự án Sunrise Bay Đà Nẵng, lượng khách hàng đặt cọc tương đối cao.
Theo Báo cáo tài chính bán niên của Novaland, 6 tháng đầu năm 2017, “người mua đã trả tiền trước ngắn hạn” lên tới con số 6.905 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm của Công ty tiêu thụ khá tốt.
Tuy nhiên, nhìn vào con số lợi nhuận năm 2017 được ĐHĐCĐ Novaland thông qua, những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn cách xa mục tiêu. Năm 2017, Novaland đặt kế hoạch doanh thu 17.528 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.144 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2017, Công ty chỉ đạt doanh thu là 3.373 tỷ đồng và lợi nhuận là 841 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu năm 2017, Novaland còn nhiều việc phải làm.
Vay bổ sung lượng tiền lớn
Trong khoản nợ phải trả gần 30.000 tỷ đồng của Novaland có đến gần 17.000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên đến 6.348 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn là 1.209 tỷ đồng cho thấy Novaland đang phải “dồn dập” trả nợ. Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ trên Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty cũng cho thấy, doanh nghiệp này đã vay thêm hơn 10.000 tỷ đồng và đã thực hiện cho trả hơn 7.100 tỷ đồng nợ gốc vay.
Chênh lệch mức thu, chi từ góp vốn của Novaland trùng với con số công ty này đã bỏ ra trên 1.900 tỷ đồng để mua lại Công ty Gia Đức, đơn vị sở hữu 19% vốn góp tại Sunrise Bay Đà Nẵng. Mục tiêu sở hữu 181 ha đất để phát triển bất động sản mang thương hiệu Novaland đã không còn khi 99% cổ phần của Gia Đức thuộc về Hoàng Huy như đã nêu trên. Việc Novaland không tiết lộ việc chuyển nhượng Sunrise Bay Đà Nẵng đặt ra câu hỏi về việc kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp này. Số tiền “người mua đã trả tiền trước” lên đến 6.905 tỷ đồng được xem là khoản tiền mặt chưa hạch toán vào doanh thu cũng không đủ lớn để Sunrise Bay Đà Nẵng “ở lại”.
Theo tìm hiểu, các khoản vay của Novaland đều chịu lãi suất cao, đa số ở mức 10 - 11%/năm, mức lãi từ 7 - 9,4% chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, các khoản vay từ việc phát hành trái phiếu (trên 7.000 tỷ đồng) của doanh nghiệp này cũng chịu mức lãi suất từ 10 - 10,9%/năm. Đa số các khoản vay trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phần của công ty mẹ sở hữu bởi các cổ đông.
Dù đã vay “dưới mọi hình thức” nhưng tháng 8/2017, HĐQT của Novaland tiếp tục phê duyệt cho Công ty phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá tối đa 1.000 tỷ đồng. Tại ngày phê duyệt Báo cáo tài chính giữa niên độ, có 500 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Việc vay không có tài sản bảo lãnh cũng đã được HĐQT của Novaland chấp thuận vay từ Credit Suisse AG - Chi nhánh Singapore và các bên cho vay khác theo một hợp đồng tín dụng mới với hạn mức lên đến 100 triệu USD, thời hạn 42 tháng. Tuy nhiên, hợp đồng này đã được ký kết hay không vẫn chưa được tiết lộ.