Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng đang được khởi động với những thông tin "nóng" về sự dịch chuyển nhân sự cao cấp (ảnh minh họa). |
Những "cuộc chiến" giành quyền lực
Một trong những biến động nhân sự được nhà đầu tư, cổ đông quan tâm nhất là đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank). Bởi trước đó, ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.
Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời điểm đó cho biết sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 năm 2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều đồn đoán về các vị trí “ghế nóng” tại Sacombank như: chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của ngân hàng này. Thông tin trên thị trường cũng rò rỉ tập đoàn bất động sản lớn ở tại TPHCM đã trình kế hoạch mua lại toàn bộ số lượng cổ phần của ông Trầm Bê và gia đình đã uỷ quyền cho NHNN để tham gia vào điều hành quản trị Sacombank.
Theo đánh giá của giới tài chính, những vị trí "nóng" của Sacombank hiện tại vẫn là cuộc chạy đua giữa các nhà đầu tư nhằm chứng minh nguồn gốc tiền đầu tư với NHNN. Cổ đông mua lại 180 triệu cổ phần, tương đương 9,512% vốn cổ phần của ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình tại Sacombank cần phải có tiền thật để Sacombank thực hiện tăng vốn điều lệ nhằm xử lý những vấn đề đang tồn tại ngân hàng này.
Hay như tại Eximbank, hội nghị sẽ thảo luận một số nội dung đã dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2016; Các nội dung thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ thường niên năm 2017; Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
Eximbank tiếp tục trình cổ đông về việc đề cử, ứng cử thêm tối đa 3 nhân sự dự kiến để bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2015 - 2020). Số lượng cụ thể do ĐHĐCĐ quyết định. Hiện cuộc chiến tranh giành quyền lực của các nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Mùa biến động nhân sự
Hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Vào ngày 22/4 tới, BIDV sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, thị trường cũng đang chờ đợi ai là chủ nhân chính thức của chiếc ghế chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà về hưu không còn là Chủ tịch HĐQT BIDV và thôi làm đại diện 40% vốn của Nhà nước. Hiện, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV vẫn đang phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ khi ông Hà về hưu.
Cũng trong tháng 4, Vietcombank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào ngày 28/4. Trong đó, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Trước đó, vào ngày 26/4, Ngân hàng Quân đội sẽ tổ chức ĐHĐCĐ. ACB sẽ tiến hành ĐHĐCĐ vào ngày 10/4. Trong khi đó vào ngày 21/4, Eximbank và PGBank đều chọn để tổ chức ĐHĐCĐ.
Gần đây nhất, TPBank cũng đã thông báo về việc nhận hồ sơ ứng cử, bầu cử Thành viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2013 - 2018. Nguyên nhân là vào giữa tháng 1 vừa qua, ông Ha Hong Sik - Thành viên HĐQT và ông Kento Tokimori - Thành viên BKS đã có đơn xin từ nhiệm và được HĐQT ngân hàng thông qua.
TPBank đang lấy ý kiến cổ đông và nhận hồ sơ ứng cử cho 2 vị trí khuyết trên nhằm đảm bảo số lượng 8 Thành viên HĐQT và 3 thành viên ban kiểm soát. Dự kiến tại kỳ họp ĐHĐCĐ sắp tới, TPBank sẽ trình cổ đông để thông qua.
Như vậy, có thể thấy rằng, sau một thời gian ngắn trầm lắng, làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp tại các ngân hàng lại bùng nổ.
Cách thức lựa chọn tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT hiện nay đều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích kinh doanh của các ông chủ, bà chủ ngân hàng và các nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nước ngoài. Các CEO tên tuổi, có "thương hiệu" cũng được các ngân hàng cạnh tranh "săn đón" rất gay gắt.